(ĐN)- Ngày 12-5, huyện Vĩnh Cửu đã tổ chức sơ kết "Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu" và chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học giai đoạn 2020-2021.
(ĐN)- Ngày 12-5, huyện Vĩnh Cửu đã tổ chức sơ kết “Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu” và chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học giai đoạn 2020-2021. Đông đảo nông dân các địa phương trong tỉnh đã đến dự.
Nông dân từ các huyện, thành phố của Đồng Nai tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu nông sản sạch tại Hội nghị sơ kết “Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu” |
Đây là đề án được Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam hỗ trợ. Điểm nổi bật của đề án là mô hình ứng dụng công nghệ sinh học (sử dụng men vi sinh) tận dụng nguồn phế thải từ rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ; nông dân tự làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong phòng, trừ dịch hại trên cây trồng.
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, sau 1 năm triển khai đề án, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không ngừng được nhân rộng tại địa phương với đa dạng các nông sản như: rau, cây có múi, hoa lan… Trong đó, nhiều hợp tác xã, trang trại không chỉ sản xuất sạch, mà còn đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến ra nhiều đặc sản địa phương minh bạch thông tin từ khâu trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Ứng dụng này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sức khỏe cho nông dân.
Mục tiêu trong năm 2020, huyện Vĩnh Cửu tiếp tục chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Địa phương cũng gắn đề án này với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm mục tiêu xây dựng được các thương hiệu đặc sản, nông sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Bình Nguyên