Chiều 27-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành Trung ương, tiếp tục bàn phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và phương hướng tổ chức xét tuyển đại học trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Chiều 27-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành Trung ương, tiếp tục bàn phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và phương hướng tổ chức xét tuyển đại học trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Giám thị đánh số báo danh tại Hội đồng thi Trường THPT Ngô Quyền trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019. Ảnh: Công Nghĩa |
Tại cuộc họp, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và các chuyên gia giáo dục tiếp tục họp bàn, cho ý kiến về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và phương hướng tổ chức xét tuyển đại học.
Đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, với cách thức tổ chức và đề thi do Bộ GĐ-ĐT đảm nhiệm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là một trong những căn cứ quan trọng để phần lớn các trường sử dụng xét tuyển. Trên tinh thần tự chủ đại học tuyển sinh, các trường đại học mong muốn kỳ thi diễn ra trung thực, khách quan, đánh giá công bằng năng lực của các thí sinh như những năm trước. Theo đó, các trường đại học cũng thống nhất chỉ lấy một đầu điểm của bài thi tổ hợp. Đây là giải pháp căn bản để chống học lệch, học tủ. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, các trường mong muốn kỳ thi năm 2020 vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm.
Đồng quan điểm, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, dư luận xã hội băn khoăn vấn đề đầu điểm các môn thi. Theo đó, học sinh đã định hướng học ôn từ đầu năm học theo các môn; đặc biệt, trong thời gian tự học ở nhà do dịch Covid-19, các em vẫn ôn thi theo hướng những năm trước. Mong muốn của các phụ huynh và học sinh là Bộ GĐ-ĐT tổ chức kỳ thi trung thực, khách quan, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học sinh.
Cũng theo đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, dư luận xã hội hoan nghênh việc công bố kết quả thi, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT (toàn quốc và từng tỉnh) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả điểm trung bình môn học, điểm trung bình chung cả năm các năm học lớp 10, lớp 11, lớp 12 của thí sinh được sở GĐ-ĐT công bố trên hệ thống phần mềm tra cứu do Bộ GĐ-ĐT quản lý; đảm bảo kết quả thi trung thực, khách quan.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định, kỳ thi năm nay sẽ giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp; thời gian làm bài sẽ đảm bảo đánh giá năng lực học sinh ở các môn thành phần. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ngắn gọn trong vòng hai ngày. Đề thi vẫn có sự phân hóa chất lượng học sinh theo các mức từ trung bình đến xuất sắc; độ chênh lệch điểm ở mức 0,25 điểm. Tuy nhiên, đề thi sẽ giảm bớt câu hỏi khó, có tính chất đánh đố mà trước đây được sử dụng nhằm phục vụ tuyển sinh cho một số ít các trường đại học tốp đầu cả nước.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GĐ-ĐT tiếp thu ý kiến, khẩn trương ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT trong đầu tháng 5-2020; đồng thời ban hành đề thi tham khảo để học sinh và phụ huynh yên tâm.
Trên tinh thần tổ chức kỳ thi an toàn, trung thực, chất lượng, không quá phức tạp, Phó thủ tướng đề nghị, Bộ GĐ-ĐT không chỉ đảm bảo thuận lợi cho công tác xét tuyển mà còn đảm bảo cho công tác ôn thi, học tập của học sinh và nhà trường; để người dân yên tâm, đời sống xã hội ít bị xáo trộn.
TTXVN