(ĐN)- Sáng 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương...
(ĐN)- Sáng 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị |
Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và lãnh đạo các sở ngành, địa phương của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những nỗ lực vượt bậc, cùng với nhiều cách làm mới và sáng tạo của các bộ, ngành trong xây dựng chính phủ điện tử thời gian qua đã góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế đã được nêu trong hội nghị để khắc phục.
Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu cần phải có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng chính phủ điện tử. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế, bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hoàn thiện các yếu tố nền tảng của chính phủ điện tử, trong đó các bộ: Tài chính, Thông tin và truyền thông triển khai các giải pháp đồng bộ bảo đảm nguồn tài chính cần thiết cho công tác xây dựng chính phủ điện tử. Thủ tướng nhấn mạnh: “Xây dựng chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm biên chế, tiết kiệm chi phí”.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và truyền thông nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về chính phủ điện tử, đồng thời chú ý công tác đào tạo nguồn lực, cán bộ về công nghệ thông tin. Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ có khả năng trong nước tham gia xây dựng chính phủ điện tử.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hiện đã tăng gấp đôi (từ 4,5% lên hơn 10%). Trong đó, 100% bộ, ngành và địa phương đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần… Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhờ làm tốt công tác xây dựng chính phủ điện tử mà cả nước đã tiết kiệm được mỗi năm trên 1.200 tỷ đồng từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính...
Tin và ảnh: Công Nghĩa