Trong tổng số 16 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam, ngành y tế đã điều trị thành công 15 ca (cho kết quả âm tính). Tính đến chiều 20-2, đã có 14 trường hợp được điều trị khỏi bệnh.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vius corona (COVID-19) cho biết, đến nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh do virus corona gây ra. Phác đồ điều trị của các bác sĩ Việt Nam chủ yếu là điều trị theo triệu chứng.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. (Ảnh: Hiếu Hoàng/Vietnam+) |
Trong tổng số 16 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam, ngành y tế đã điều trị thành công 15 ca (cho kết quả âm tính). Tính đến chiều 20-2, đã có 14 trường hợp được điều trị khỏi bệnh. Điều này cho thấy, phác đồ điều trị của Việt Nam là hiệu quả.
"Khoảng 14 giờ chiều mai (21-2), bệnh nhân thứ 15 là Việt kiều người Mỹ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ được xuất viện. Đây là ca nhiễm COVID-19 với nhiều bệnh nền (như bệnh nhân người Trung Quốc trước đó) nhưng các bác sĩ đã điều trị khỏi bệnh. Tính đến ngày mai, chỉ còn duy nhất một bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên đang được theo dõi trong tình trạng sức khoẻ ổn định" - Phó giáo sư Khuê cho hay.
Theo Phó giáo sư Khuê, đây là những tín hiệu vui trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Có được thành công này là do Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp."
Riêng trong công tác điều trị, Việt Nam đã có chiến lược 4 tại chỗ và thành lập các đội phản ứng nhanh giúp cho tuyến dưới.
"Hiện nay tình hình dịch còn căng thẳng, nặng nề. Tại Việt Nam, theo báo cáo Bộ Lao động, có rất nhiều chuyên gia, công nhân ở Trung Quốc tới đây sẽ quay lại làm việc. Trên thế giới, có những nước có điều kiện kinh tế tốt nhưng đã có bệnh nhân tử vong, các nước xung quanh có những tàu cập cảng có người bệnh cách ly. Việt Nam cũng có bệnh nhân cách ly.
Với bối cảnh chung như vậy, chúng ta không chủ quan, chưa kể COVID-19 là một virus mới chưa thể biết hết cơ chế tiếp tục lây lan như thế nào nên ngành y luôn trong tình trạng ứng trực, sẵn sàng trong các tình huống" - Phó giáo sư Khuê phân tích.
Theo ông Khuê, với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia, Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng trên mức cảnh báo của WHO.
Ông Khuê cho biết thêm, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo nào về thay đổi chỉ đạo trong phòng chống dịch ở trên thế giới, Việt Nam vẫn đang áp dụng đúng tình trạng như Thủ tướng đã nêu: “Chống dịch như chống giặc”.
(Vietnam+)