Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn lưu mãi sử xanh.
Ngày 30-1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý), tại khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh trống khai mạc Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng, Xuân Canh Tý 2020. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cùng các vị lãnh đạo bộ ngành Trung ương, Hà Nội, Vĩnh Phúc và đông đảo nhân dân địa phương, khách thập phương đã dự Lễ.
Lễ kỷ niệm 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là hoạt động văn hóa ý nghĩa, tri ân Hai Bà Trưng - hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc, đồng thời tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt của Hai Bà, những người đã viết nên những trang sử vàng của dân tộc ta trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.
Tại Lễ kỷ niệm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã tham dự nghi thức đọc Chúc văn và dâng hương kỷ niệm 1980 năm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại đền thờ Hai Bà.
Các đại biểu và nhân dân cùng nhau ôn lại công lao của Hai Bà Trưng, tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt. Hai Bà Trưng và cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40-43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại.
Ngược dòng lịch sử, năm 40 (sau Công nguyên), Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc nhà Hán đô hộ.
Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và đội quân nhà Hán tan vỡ đến đó.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.
Đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sỹ và nhân dân suy tôn lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. Sau khi Hai Bà mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt sỹ nữ anh hùng, nhân dân nhiều địa phương trong nước đã lập đền thờ Hai Bà cùng với các tướng sỹ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng đã để lại cho đất nước một nền độc lập tự chủ, dù chỉ tồn tại trong 3 năm nhưng đã hun đúc, rèn giũa ý chí, sức sống mãnh liệt của một dân tộc anh hùng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh,” “Còn cái lai quần cũng đánh;” là Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan, Huyền Trân Công Chúa, nữ tướng Bùi Thị Xuân và những nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định cùng “đội quân tóc dài” một thời đã làm cho quân thù phải khiếp vía, kinh hoàng… và còn hàng vạn nữ Anh hùng Liệt sỹ, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn lưu mãi sử xanh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm lễ dâng hương Hai Bà. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) |
Hai Bà Trưng và cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà cũng để lại cho chúng ta một di sản tinh thần, bài học vô giá, đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trong đó có sức mạnh trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ.
Phó Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thành phố Hà Nội, sự quyết tâm tích cực của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy truyền thống quật khởi của Hai Bà Trưng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh để xây dựng Thủ đô xứng đáng với nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam.
Việc tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại trang lịch sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân đối với Hai Bà Trưng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tại Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các nghệ sỹ đã biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng; màn biểu diễn trống hội và múa rồng sôi động. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh trống khai hội đền Hai Bà Trưng.
Từ ngày 30-1 đến hết ngày 1-2 (ngày mùng 6 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý), Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra các hoạt động tế lễ và các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng theo nghi thức truyền thống tại đền Hai Bà Trưng, đình Hạ Lôi và các di tích liên quan trong địa phương.
Trong thời gian này, triển lãm mang tên “Mê Linh - đất và người” cũng được diễn ra tại không gian di tích, nhằm mang đến cho công chúng và du khách những góc nhìn về mảnh đất Mê Linh giàu truyền thống văn hóa./.
Đinh Thuận-Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)