(ĐN) - Sáng 13-11, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp về công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
(ĐN) - Sáng 13-11, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp về công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp bàn về công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. |
Theo UBND tỉnh, tính đến ngày 31-10-2019, Đồng Nai có 60 cơ sở GDNN, gồm: 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 23 trung tâm GDNN và 20 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh tuyển mới hơn 360 ngàn người học nghề, trong đó có hơn 320 ngàn người đã tốt nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%, riêng lao động nông thôn đạt trên 92%.
Công tác đào tạo lao động kỹ thuật cao và đào tạo gắn với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, có 3 trường cao đẳng được chọn để xây dựng trường chất lượng cao, 8 trường được chọn để đào tạo nghề trọng điểm, 2 trường cao đẳng được Chính phủ Đức chọn đầu tư thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế.
Đối với “đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 61 ngàn người (đạt hơn 82% chỉ tiêu kế hoạch). Số người có việc làm sau đào tạo là hơn 50 ngàn người (đạt 90%).
Cuộc họp đã dành phần nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề như: liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, đào tạo gắn với nhu cầu thực tế, giải quyết việc làm cho lao động sau khi đào tạo, truyền thông thay đổi nhận thức về định hướng nghề nghiệp cho người dân; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân nằm trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành …
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng những nhận xét của UBND tỉnh về những tồn tại, hạn chế hiện nay của công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh là xác đáng. Do đó, các sở, ban, ngành cần phải tập trung tìm ra giải pháp để khắc phục. Cụ thể gồm: nâng cao trình độ tiếng Anh cho học viên học nghề để đáp ứng được chuẩn của chương trình đào tạo chất lượng cao; cần có hệ thống thông tin về thị trường lao động để làm cơ sở định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong đào tạo; đầu tư trang thiết bị đáp ứng được với nhu cầu đào tạo.
Tin, ảnh: Hải Yến