Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 19-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 19-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sẽ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu cho rằng, cần phải sớm ban hành luật này để phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực nhằm giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công; đồng thời đề nghị, dự thảo cần bổ sung thêm quy định nhằm kiểm soát những rủi ro trong hoạt động đầu tư theo đối tác công - tư, đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.
Theo các đại biểu, thực tế, đầu tư PPP trên thế giới đã có từ lâu, nhiều quốc gia đã có những giải pháp tốt và có những quan niệm rất sát với thực tế. Theo đó, Nhà nước nhượng quyền thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quyền vận hành, quyền cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư; Nhà nước và nhà đầu tư cùng hợp tác và chia sẻ các quyền, nghĩa vụ, lợi ích, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án đầu tư...
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Theo chương trình dự kiến, hôm nay 20-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
P.V