Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Người dân Bản Mu Chi, xã Pa Hủ được bộ đội Biên phòng hướng dẫn trồng cỏ voi có nguồn thức ăn chăn nuôi bò. Ảnh minh họa: Việt Hoàng/TTXVN |
Kết luận nêu rõ: Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước...
Bên cạnh những thành tựu, công tác dân tộc còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Đến nay, chưa thực hiện được một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ và Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Do đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng 8 nội dung:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.
Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng với đất nước...
Ba là, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết. Thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh…
Bốn là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc. Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư mới gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát. Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào. Ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 không còn địa bàn khó khăn…
Năm là, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sáu là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng", "điểm phức tạp" về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, buôn bán người, ma túy, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng biên giới…
Bảy là, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số...
Tám là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Lâm Viên