Báo Đồng Nai điện tử
En

Thống nhất nhận thức và hành động về phát triển bền vững

09:09, 12/09/2019

Chiều 12-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề Vì một thập niên phát triển bền vững hơn, hướng đến cột mốc năm 2030.

Chiều 12-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề Vì một thập niên phát triển bền vững hơn, hướng đến cột mốc năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019. Ảnh: VGP

Hội nghị có sự tham dự của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.

Tại phiên toàn thể của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm nếu không phát triển nhanh thì sẽ tụt hậu so với thế giới nhưng phải phát triển bền vững. Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

“Tuy nhiên, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện” - Thủ tướng nói. Tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường, mất cân đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở nhiều nơi.

Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững. “Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội” - Thủ tướng nói.

Chúng ta đã có quá nhiều các văn bản chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ. Vì thế, việc thực hiện còn kém hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực, kể cả con người, để thực hiện thật tốt. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.

Cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Cần thực hiện đồng bộ các chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực, đạt mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết về phát triển con người.

Tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc của mọi khu vực trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới hình thành Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số như xu hướng thế giới hiện nay. Hoàn thiện khung khổ pháp lý và môi trường kinh doanh, có chính sách đột phá để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ mọi người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất, xây dựng một xã hội thịnh vượng.

Thủ tướng cho rằng toàn cầu hóa và xu hướng công nghệ cùng với những mô hình kinh doanh có tính đột phá, làm thay đổi căn bản nhiều tư duy và phương pháp tiếp cận kinh doanh giúp cho hoạt động kinh tế dân sự trở nên tối ưu và bền vững hơn. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa cội nguồn, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, là thứ làm nên sự khác biệt có tính bền vững, là giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài, là bệ phóng cho những tiến bộ của chúng ta trong thế kỷ 21 và xa hơn.

Cho biết hiện còn hơn 30 địa phương chưa có kế hoạch thực hiện kế hoạch quốc gia và Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt quan tâm thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, nhất là về giáo dục, y tế, phát triển con người, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa.

P.V (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều