Tại hội nghị Phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học và góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian gần đây tỷ lệ tiêu hủy heo do dịch tả heo châu Phi giảm mạnh so với các tháng trước đây.
Tại hội nghị Phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học và góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian gần đây tỷ lệ tiêu hủy heo do dịch tả heo châu Phi giảm mạnh so với các tháng trước đây.
Trong khi đó, mô hình, kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học đã có và rất phong phú, song hiện rất nhiều địa phương vẫn chưa cho phép tái đàn nên đề nghị các địa phương cân nhắc, xem xét việc tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh hiện nay để tránh việc thiếu và khủng hoảng nguồn thịt trong thời gian tới. “Tổng số heo bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 giảm 20% so với tháng 7 và giảm từ 35-40% so với tháng 5. Đây là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng với dịch bệnh tả heo châu Phi” Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc tái đàn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, chăn nuôi heo an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước. Số liệu thống kê mới nhất năm 2018, số trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi heo của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.
Cục Chăn nuôi cũng lưu ý các cơ sở chăn nuôi, ngoài khẩu phần thức ăn cơ sở có bổ sung chế phẩm vi sinh thì cũng có thể lập khẩu phần thức ăn theo điều kiện của cơ sở và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương theo một giai đoạn hoặc nhiều giai đoạn nuôi dưỡng. Trường hợp không tự phối thức ăn thì có thể sử dụng thức ăn công nghiệp đảm bảo nguyên tắc không có kháng sinh, chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc.
TTXVN