(ĐN) - Sáng 14-5, tại Trường Global Đồng Nai, UBND tỉnh chủ trì buổi tọa đàm "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học tỉnh Đồng Nai năm 2019". Tọa đàm do Sở GD-ĐT phối hợp với Báo Đồng Nai thực hiện.
(ĐN) - Ngày 14-5, tại Trường Global Đồng Nai (TP.Biên Hòa), UBND tỉnh chủ trì tổ chức tọa đàm Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học tỉnh Đồng Nai năm 2019. Tọa đàm do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Đồng Nai thực hiện với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà giáo, phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.
Chủ tọa buổi tọa đàm "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học tỉnh Đồng Nai năm 2019" (ảnh: Huy Anh) |
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, xu thế toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hội nhập và toàn cầu hóa sẽ làm mai một, xói mòn bản sắc, giá trị truyền thống văn hóa địa phương. Hệ lụy đó là một bài toán mà mỗi quốc gia phải giải quyết trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Buổi tọa đàm Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học do UBND tỉnh chủ trì và Sở GD-ĐT, Báo Đồng Nai thực hiện là một trong những việc làm tích cực, chủ động trong tuyên truyền, triển khai thực hiện đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp phát biểu khai mạc buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương sẽ cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm để việc xây dựng ứng xử văn hóa trong trường học trên địa bàn tỉnh. Sở GD-ĐT tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến, giải pháp của các đại biểu tham dự tọa đàm để có những bứt phá, sáng tạo trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đề án này. Báo Đồng Nai có trách nhiệm điều hành phát biểu tham luận, ý kiến của các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương đối với đề xuất, giải pháp trong công tác truyền thông nhằm góp phần xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Quang cảnh buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng, sự học là suốt đời, hình thức học là vô cùng. Từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, mỗi người đều trải qua việc học nói theo, học làm theo. Những người có trách nhiệm dạy con em chúng ta thành người không chỉ là giáo viên mà cả những người trong gia đình. Do vậy, rất cần sự chung tay, phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục học sinh, sinh viên, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phù hợp, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong trường học như bạo lực học đường, hướng đến xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
* Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, sở, ngành, địa phương
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà báo Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh nói, ngày nay, mạng xã hội trở thành “món ăn” không thể thiếu đối với mỗi người. Qua mạng xã hội có thể tương tác trực tiếp với nhiều người ở nhiều phạm vi khác nhau. So với các phương tiện thông tin truyền thống thì mạng xã hội là phương tiện thông tin tích hợp. Với 1 tài khoản mạng xã hội, có thể chát, gửi mail, hình ảnh, clip…
So với sự tương tác của mạng xã hội, sự tương tác trực tiếp giữa cha mẹ, thầy cô với học sinh, con cái còn chậm, hoặc có thể tương tác nhưng do cách biệt về lứa tuổi, suy nghĩ, nên học sinh không muốn tương tác với thầy cô, không muốn sự kiểm soát của cha mẹ mà đôi khi đi tôn sùng, like, theo dõi các trang Facebook của những cá nhân có biểu hiện lệch lạc. Ngoài ra, trên truyền thông liên tục đăng những tin, bài, ảnh, clip phản ánh những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục cũng khiến cho nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm với ngành giáo dục. Hình ảnh của người thầy cũng không còn được đẹp như nó vốn có.
Nhà báo Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Theo một số nghiên cứu cho thấy, một học sinh dành từ 2 -2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội. Do đó, theo nhà báo Đức Hiển, gia đình, nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức ứng xử đúng đắn trên mạng xã hội. Hãy dành thời gian để chia sẻ, trao đổi với các em, tăng sự tin tưởng lẫn nhau, nếu cha mẹ, thầy cô càng tăng cường kỷ luật thì mạng xã hội chính là nơi để học snh giãi bày, thổ lộ.
Bên cạnh đó, phải giáo dục, khơi gợi được niềm tự hào, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho học sinh; có cơ chế để phát hiện những hành vi lệch chuẩn; hướng các em vào các đội nhóm; xây dựng quy chế hành xử trên mạng xã hội; tổ chức các buổi thảo luận, ngoại khóa về những hành vi đang nổi trên mạng xã hội để đưa ra những giải pháp, cách nhìn đúng đắn.
Cho rằng giải pháp mình đưa ra là phải “giáo dục” phụ huynh có vẻ hơi khó nghe, nhưng TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện quản trị tri thức KMI TP.Hồ Chí Minh đề nghị phụ huynh nên nhìn thẳng vào thực tế để rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm trong việc giáo dục, nuôi dạy con. Bởi không ai khác, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ.
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện quản trị tri thức KMI TP.Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
TS.Tùng nêu lên 8 kiểu phụ huynh gồm: Những phụ huynh sinh con ra nhưng giao phó toàn bộ việc giáo dục con cho nhà trường; phụ huynh chỉ biết nuôi, tức là chỉ quan tâm hôm nay con đến trường có ăn, có ngủ được không; phụ huynh sĩ – là những người chỉ quan tâm đến bảng thành tích, điểm số sáo rỗng của con em mình; kiểu phụ huynh chỉ biết quát tháo, dùng bạo lực với con mà không chia sẻ, thấu hiểu con; kiểu phụ huynh mà cái gì cũng có thể đem ra so sánh với tiền; kiểu phụ huynh chiều chuộng con, bất kể con thích gì cũng chiều theo; kiểu phụ huynh để cho con tự lập nhưng không hướng dẫn cho con cách tự lập đúng hướng.
Với 7 kiểu phụ huynh này sẽ vô tình hay cố ý gây ra cho con những hệ lụy về sau như tạo cho con lối sống ích kỷ, không biết nhường nhịn, chỉ biết dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, không có ý chí cầu tiến…Còn một kiểu phụ huynh biết làm bạn với con, hiểu được tâm lý con để chia sẻ, dạy dỗ cho phù hợp sẽ cho kết quả là đứa trẻ biết cách ứng xử đúng mực với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
Để gia đình và nhà trường cùng tham gia giáo dục con cái hiệu quả, TS.Tùng đề xuất ở các cuộc họp phụ huynh, giáo viên đừng bao giờ nói đến chuyện đóng tiền mà hãy trao đổi với phụ huynh cách giáo dục con trẻ. Hãy dành thời gian để nhà trường nói cho phụ huynh cùng nghe, cùng hiểu, cùng thực hiện. Đồng thời, các cơ quan truyền thông nên hạn chế đăng những tin tiêu cực, tăng cường những tin bài tích cực để tạo dự cảm lạc quan cho bạn đọc, giúp gieo mầm, nuôi dưỡng đạo đức mỗi ngày để xã hội có thêm những điều tốt đẹp.
Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch trình bày tham luận tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Ở góc độ cơ quan quản lý văn hóa, bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch cho hay, thực hiện phân công của UBND tỉnh trong việc thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã lồng ghép các hoạt động của ngành vào chương trình 4 Xây dựng gia đình văn hóa của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh. Trong đó, đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm các tiêu chí như: Ứng xử của cha mẹ với con cái, ông bà với cháu: gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con cái với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị em: Hòa thuận, chia sẻ.
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chia sẻ, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và cộng đồng trong việc nuôi dạy con cái, mỗi năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức trên 300 lớp tập huấn về tổ chức cuộc sống gia đình, làm cha mẹ, hướng dẫn cách chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con theo các độ tuổi khác nhau; xây dựng mối quan hệ gắn kết, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
TS. Lê Thị Hoài Lan, Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục Trường đại học Đồng Nai trình bày tham luận tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Với trách nhiệm là cơ sở đào tạo những giáo viên tương lai, TS. Lê Thị Hoài Lan, Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục Trường đại học Đồng Nai cho biết, nhà trường sẽ xây dựng các chuyên đề giáo dục liên quan đến xây dựng ứng xử trong trường học và đưa vào chương trình đào tạo những giáo viên tương lai.
Là địa phương có số trường học nhiều, học sinh đông, đặc biệt là dân nhập cư lớn, ông Phan Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa chia sẻ, thành phố đề ra 7 giải pháp chính trong việc thực hiện xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn. Trong đó, có giải pháp đưa nội dung xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn thành một trong các nội dung công tác của từng cơ quan và được tổng kết, đánh giá hằng năm, lồng ghép trong giảng dạy và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, huy động và sử dụng các thiết chế văn hóa tại địa phương, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa ngoài nhà trường. Tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử, hoạt động văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương, nhất là vào các dịp nghỉ hè, lễ tết.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Phượng, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội Báo Đồng Nai cho hay, thực trạng văn hóa ứng xử trong trường học thời gian qua có rất nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ, trăn trở. Số vụ bạo lực học đường gia tăng, học trò đánh nhau, quay clip lên mạng; giáo viên lăng mạ, chửi bới, thậm chí đánh đập, xâm phạm học trò…
Nhà báo Nguyễn Phượng,Trưởng Ban Văn hóa – xã hội Báo Đồng Nai trình bày tham luận tại buổi tọa đàm |
Là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Báo Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo, chú trọng tuyên truyền đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm tuyên truyền trên lĩnh vực GD-ĐT. Bên cạnh đó, báo cũng chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoài trang báo, trong đó có những hoạt động đã trở thành truyền thống hướng đến các đối tượng của ngành giáo dục như: giải bóng đá nhi đồng cúp Báo Đồng Nai, học bổng Vượt khó vì tương lai, phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức 2 buổi tọa đàm xoay quanh những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục.
Ngoài ra hàng tuần, báo đều có chuyên trang, chuyên mục phản ánh tuyên truyền các vấn đề của ngành giáo dục. Với những sự vụ xảy ra liên quan đến văn hóa ứng xử trường học trên địa bàn tỉnh, báo đều xem xét, nhìn nhận dưới nhiều góc độ, tuyên truyền phản ánh kịp thời trên tinh thần khách quan, trung thực nhằm đảm bảo được tính định hướng dư luận.
“Quan điểm của báo Đồng Nai là phản ánh kịp thời những vấn đề mà dư luận xã hội, người dân quan tâm trên tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, khích lệ, nhân rộng những cách làm hay, gương người tốt việc tốt, phê phán, góp ý trên tinh thần xây dựng với những vấn đề còn bất cập. Tất cả thông tin phải mang tính định hướng, nhân văn sâu sắc, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tuyết đối không dùng thông tin, hình ảnh để câu “view”, đẩy bản chất sự việc đi theo mục đích khác”, nhà báo Nguyễn Phượng nhấn mạnh
* Giáo viên, phụ huynh cần hợp tác chặt chẽ
Chia sẻ tâm sự tại buổi tọa đàm, đại diện Trường THCS Nguyễn Công Trứ, huyện Xuân Lộc bày tỏ: “Một trong những trở ngại lớn nhất giữa giáo viên và phụ huynh chính là khoảng cách, là chưa đặt mình vào vị trí của nhau. Tôi mong rằng, cả giáo viên và phụ huynh khi có mâu thuẫn, vướng mắc sẽ có cuộc gặp gỡ, giãi bày nỗi lòng, nhận khuyết điểm nếu mình sau. Khi có sự cố, việc đầu tiên là phải giữ bình tĩnh để giải quyết, phải xác định mục tiêu vì sự tiến bộ, vì tương lai của học sinh chứ không phải là phân định ai đúng, ai sai bởi lằn răn đúng – sai đôi khi rất mong manh. Phụ huynh hãy tin tưởng chúng tôi, hãy trao cho chúng tôi quyền được giáo dục thực sự, hãy thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia để chúng tôi được làm việc trong môi trường an toàn, cùng nhau cộng đồng trách nhiệm để tạo ra một sản phẩm giáo dục hoàn hảo”.
Phụ huynh Trần Thị Thu có ý kiến tại buổi tọa đàm.(ảnh: Huy Anh) |
Còn phụ huynh Trần Thị Thu có con học tại Trường tiểu học Tân Phong B, TP.Biên Hòa thì đề xuất phụ huynh cần tham gia vào các chương trình huấn luyện kỹ năng làm cha, làm mẹ để nâng cao hiểu biết, hiểu con cái hơn. Các trường học cần xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, hỗ trợ cho các em học sinh chứ không chỉ là những buổi tuyên truyền chung chung. Mặt khác, các giáo viên nên tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình đào tạo, hướng tới phương pháp dạy học Lấy người học làm trung tâm.
Đến từ Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Tân Phú, thầy giáo Trịnh Văn Vi, giáo viên dạy Văn bộc bạch, là trường ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng đầu vào của học sinh thấp nên hầu hết phụ huynh rất tin tưởng giao phó con cái mình cho nhà trường. Tuy nhiên, đó là sự tin tưởng phó mặc. Bản thân chúng tôi không thể làm tốt nếu không có sự tương tác của phụ huynh. Có nhiều giáo viên rất muốn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhưng chương trình học quá nặng, không có thời gian để tổ chức; điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giảng dạy kỹ năng cho học sinh.
Thầy giáo Trịnh Văn Vi phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Cho rằng văn hóa ứng xử học đường hiện đang ở mức báo động đỏ, bà Cao Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ đã chia sẻ một số kinh nghiệm về cách xây dựng văn hóa ứng xử tại trường mình. Bà Xuyến nêu quan điểm, lãnh đạo các trường học cần nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên rằng nhiệm vụ không chỉ là dạy kiến thức mà còn dạy kỹ năng, văn hóa ứng xử, đạo đức lối sống chuẩn mực cho học sinh. Lãnh đạo nhà trường sẽ đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo dục học sinh bằng những câu chuyện cụ thể, thiết thực ngoài đời sống. Bản thân Hiệu trưởng nhà trường cũng thường xuyên nắm bắt thông tin trên mạng xã hội để mang ra các tiết sinh hoạt chào cờ trao đổi với giáo viên, học sinh về những chủ đề mà học sinh đang quan tâm trên mạng xã hội. Qua đó, kịp thời định hướng cho các em, tránh những hành vi lệch chuẩn đạo đức xã hội và pháp luật.
Bà Cao Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
Có được lợi thế về cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại cộng với nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, TP.Biên Hòa Trần Thị Vương Nhi cho biết, từ ngày 5-6, một tuần sau khi nghỉ hè, trường sẽ tổ chức các chương trình ngoại khóa, dạy học sinh cách chung sống với thiên nhiên, nhận biết thế giới khoa học, giáo dục thẩm mỹ giúp học sinh sống đẹp hơn. Qua việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động này, giáo viên sẽ quan sát và phản hồi với phụ huynh về sự trưởng thành của học sinh.
“Từ 15-7 đến 1-8, trường sẽ tổ chức các chương trình định hướng học sinh phát triển kỹ năng như mời chuyên gia nói chuyện về kỹ năng sống, thực hiện các chuyên đề ứng xử của học sinh trong nhà trường, trên mạng xã hội; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Qua đó, giúp các em bớt chán nản vì phải học kiến thức quá nhiều”, cô Nhi cho hay.
* Thầy cô nở nụ cười trên môi, tạo thiện cảm với học trò
Có thời gian theo dõi lĩnh vực Giáo dục khá dài, phóng viên Hải Yến, báo Lao động Đồng Nai cho rằng, nếu không thay đổi được nhận thức của phụ huynh thì sẽ không tạo được sự gắn kết với ngành giáo dục. Phóng viên Hải Yến kiến nghị khi ngành giáo dục xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học nên tham khảo ý kiến của học sinh bởi các em là những đối tượng chính của bộ quy tắc này. Việc thực hiện kỷ luật học sinh cũng nên thực hiện theo hướng tích cực để học sinh thấy được trách nhiệm của mình đối với những việc đã làm và có hướng sửa chữa tốt hơn.
Phóng viên Hải Yến, báo Lao động Đồng Nai phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: Huy Anh) |
“Mặc dù đã tốt nghiệp THCS 20 năm nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh cô Hiệu phó trường THCS của mình. Cô luôn nở nụ cười trên môi khi gặp học sinh, hòa đồng và sẵn sàng lắng nghe ý kiến, chia sẻ của học sinh. Chính sự thân thiện, gần gũi của cô đã khiến học sinh cảm thấy được chia sẻ, tin tưởng. Tôi mong rằng chính giáo viên, phụ huynh sẽ là những người đầu tiên nêu gương, là gương sáng để các em học sinh noi theo”, phóng viên Hải Yến đề xuất.
Còn Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa thì trăn trở: “Làm sao để phụ huynh thấu hiểu, cam kết đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh để tạo sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm. Với những trường hợp học sinh vi phạm hay có những hành vi lệch chuẩn, giáo viên rất cần có sự hỗ trợ, tiếp sức của lãnh đạo nhà trường để giáo viên không cảm thấy lẻ loi, đơn độc trong việc “phạt” học sinh nhằm đem lại cho các em sự tiến bộ cần có, để giáo viên tự tin xây dựng mối quan hệ ứng xử văn hóa trong nhà trường”.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa phát biểu tại buổi tọa đàm. (ảnh: Huy Anh) |
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ ra những giải pháp có thể thực hiện ngay như giáo viên tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để biết các em đang nghĩ gì, muốn gì, có tâm sự gì không. Các trường học cũng có thể thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường, chuyên gia tâm lý để kịp thời điều chỉnh hành vi lệch chuẩn của học sinh cho phù hợp.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, bà Huỳnh Lệ Giang ghi nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tham gia tọa đàm. Bà Giang cũng gửi lời cảm ơn đến Ban lãnh đạo Báo Đồng Nai và cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Đồng Nai tổ chức nhiều buổi tọa đàm hơn nữa liên quan đến ngành giáo dục. Riêng bộ quy tắc ứng xử trong trường học sẽ liên tục được xây dựng, thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tế của từng trường học, vùng miền, địa phương.
Hạnh Dung