Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ý kiến đóng góp dự án Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Kiến trúc

09:05, 21/05/2019

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận dự án Luật Giáo dục là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận dự án Luật Giáo dục là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Giàng Thị Bình phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Giàng Thị Bình phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 21-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Kiến trúc.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận dự án Luật Giáo dục là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là cần thiết nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định lâu dài, không thể sử dụng mỗi năm rồi lại thay sách khác, gây lãng phí.

Mặt khác, sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng phải quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa việc lợi dụng sách tham khảo để dạy thêm, học thêm, học sinh nào không học thêm thì không biết làm bài tập kiểm tra, gây bức xúc trong phụ huynh.

Sách giáo khoa giảng dạy phải được công bố có thời hạn trước khi năm học mới khai giảng để học sinh chủ động tìm sách học, không để thiếu sách cục bộ, gây khó cho học sinh và giáo viên như thời gian qua.

Nhìn về sự kết nối giữa nhà trường-gia đình-xã hội và triết lý giáo dục, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng vai trò của gia đình và xã hội chưa được nhận thức một cách đầy đủ, nhằm đảm bảo sự kết nối thực chất với nhà trường, để tạo nên hành lang an toàn, môi trường tốt nhất cho giáo dục.

Theo đại biểu, khi gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Xã hội phải định hình rõ được triết lý giáo dục, để từ đó đối tượng, mục tiêu và phương pháp giáo dục trong dự luật sẽ đi theo tinh thần triết lý đó.

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc. Quy định bản sắc văn hóa dân tộc ViệtNam trong kiến trúc (Điều 5) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 22-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều