(ĐN) - Theo Chi cục Trồng trọt – bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 27-5, chỉ sau gần 1 tháng xuất hiện, toàn tỉnh đã có 191,5 hécta bắp bị sâu keo mùa Thu phá hoại, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất.
(ĐN) - Theo Chi cục Trồng trọt – bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 27-5, chỉ sau gần 1 tháng xuất hiện, toàn tỉnh đã có 191,5 hécta bắp bị sâu keo mùa Thu phá hoại, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Ruộng bắp bị sâu keo tấn công |
Các huyện có xuất hiện sâu keo, gồm: Cẩm Mỹ (bị 122 hécta); Tân Phú (có 43 hécta); Xuân Lộc (20 hécta); Định Quán (4 hécta) và Trảng Bom (2,5 hécta)..., với tỷ lệ cây bắp bị hại từ 5- 20%. Dự báo thời gian tới, khả năng sâu sẽ lây lan ra diện rộng do hiện nay bắp vụ Hè Thu đang trong giai đoạn gieo hạt hoặc cây bắp lớn được 7 lá.
Con sâu keo |
Sâu keo mùa Thu là loài sâu hại mới lần đầu tiên xuất hiện gây hại tại Việt Nam. Hiện loài sâu này đang lây lan nhanh qua nhiều tỉnh, trong đó có Đồng Nai. Đây là loài sâu đa thực, có thể gây hại trên 300 loại thực vật, bao gồm: bắp, lúa, bông vải, đậu tương, mía, rau, cà…, trong đó thức ăn ưa thích nhất là cây bắp.
Để phòng chống sâu keo mùa Thu, Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ khâu canh tác và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng (nhất là giai đoạn bắp từ 3 - 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy). Nông dân nên ưu tiên sử dụng các biện pháp sinh học như: sử dụng chế phẩm sinh học để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; nhân, thả ong ký sinh trứng, các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở.
Tuy chỉ gây hại ở giai đoạn sâu non, nhưng do sức ăn của sâu rất khỏe nên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Loài sâu này xâm nhập, lây lan qua các đường: sâu non di chuyển ruộng này sang ruộng khác; sâu non, nhộng, trứng, thậm chí là sâu trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của ký chủ (bắp, cỏ thức ăn chăn nuôi, cỏ sân golf, ...) trong quá trình người dân vận chuyển; cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, hoặc giữa các địa phương trong nước. Sâu trưởng thành tìm nơi đẻ trứng từ khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km, đặc biệt sâu trưởng thành di trú (con bướm) có thể bay theo gió hàng trăm km.
Bình Nguyên – Xuân Hân