Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến về 3 dự án luật

09:05, 28/05/2019

Ngày 28-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Ngày 28-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 28-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 11 chương, 106 điều, trong đó một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; thời điểm thông qua dự án Luật.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường vê dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 chương, 47 điều, tập trung vào một số vấn đề về tên gọi của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; về nội dung kế hoạch; về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên...

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 40 điều quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch về trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.

Dự án luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, có một số vấn đề tiếp tục cần xin ý kiến Quốc hội, đó là: bố cục của dự thảo Luật; bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định về sử dụng hộ chiếu và hình thức, nội dung của hộ chiếu; điều chỉnh lại các mục của Chương III bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện; về tên gọi của Luật; về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành; về hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu; điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...

Thời gian còn lại của buổi làm việc, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều