Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh phối hợp chống dịch tả heo châu Phi

04:05, 10/05/2019

(ĐN) - Theo Sở Nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 5-2019, Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.Hồ Chí Minh đã làm việc với Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Đồng Nai để thống nhất các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.

 

(ĐN) - Theo Sở Nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 5-2019, Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.Hồ Chí Minh đã làm việc với Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Đồng Nai để thống nhất các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi. Hai bên cũng thiết lập kênh trao đổi, cập nhật thường xuyên diễn tiến dịch tả heo châu Phi để phối hợp kiểm soát nguồn heo nhập về thành phố giết mổ đúng quy định.

Nguồn heo từ Đồng Nai cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh đều được kiểm tra chặt chẽ, truy xuất rõ nguồn gốc, đảm bảo là heo không bị bệnh, heo an toàn. Ảnh chụp thương lái huyện Thống Nhất đóng heo đi TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn heo từ Đồng Nai cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh đều được kiểm tra chặt chẽ, truy xuất rõ nguồn gốc, đảm bảo heo không bị bệnh, heo an toàn. Ảnh chụp thương lái huyện Thống Nhất đóng heo đi TP.Hồ Chí Minh.

Cụ thể, 2 địa phương sẽ giám sát chặt chẽ nguồn heo xuất về TP. Hồ Chí Minh phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp: xã, huyện, tỉnh; chỉ vận chuyển heo về thành phố giết mổ qua 2 tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1K; trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp.

Heo vận chuyển trên tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch.  TP.Hồ Chí Minh cũng tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 tại khu vực cao tốc Long Thành - Dầu Giây – TP.Hồ Chí Minh; phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông Cát Lái khảo sát địa điểm bố trí chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Kỳ Hà.

Trong vòng 30 ngày, nguồn heo tại các xã có dịch tại Đồng Nai sẽ không được xuất về TP.Hồ Chí Minh; các cơ sở giết mổ cũng sẽ đình chỉ hoạt động trong thời gian có dịch. Theo đó, sản phẩm thịt heo từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch sẽ không được cấp giấy kiểm dịch; tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng giáp sát có xuất nguồn thịt heo về thành phố tiêu thụ.

Tại tỉnh Đồng Nai hiện có 4 hộ chăn nuôi có heo bị dịch tả châu Phi. Trong đó, huyện Trảng Bom có 2 hộ (1 trại 468 con tại xã Bình Minh do nằm liền kề 2 hộ giết mổ trái phép, có tiếp nhận heo bệnh, heo chết về giết mổ; 1 hộ chăn nuôi 268 con ở xã Đồi 61 do mua tinh heo từ trại heo bị dịch tại xã Bình Minh) và huyện Nhơn Trạch có 2 hộ (1 hộ chăn nuôi ở xã Phước Thiền có tổng đàn 26 con và 1 hộ tại xã Hiệp Phước có 3 con heo nái bị dịch tả heo châu Phi đều do nguyên nhân sử dụng thức ăn thừa của khu công nghiệp không qua nấu chín). Toàn bộ số heo bệnh của các hộ trên đều đã được tiêu hủy ngay sau khi xác nhận bị dịch.

Hiện TP.Hồ Chí Minh có 11 cơ sở giết mổ với số lượng giết mổ bình quân 6.500 – 7.000 con/đêm. Nguồn heo nhập từ Đồng Nai chiếm trên 46,4% tổng số heo tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Từ ngày 25-2 đến nay, thực hiện cuộc vận động của thành phố, các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn thành phố.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều