Báo Đồng Nai điện tử
En

Đã tìm ra nguyên nhân cá bè trên sông La Ngà chết hàng loạt

07:05, 27/05/2019

(ĐN)- Theo Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn, nguyên nhân dẫn đến cá nuôi bè trên sông La Ngà chết hàng loạt vừa qua là do biến động bất lợi về môi trường...

[links()](ĐN)- Theo Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn, nguyên nhân dẫn đến cá nuôi bè trên sông La Ngà chết hàng loạt vừa qua là do biến động bất lợi về môi trường: lượng mưa lớn và kéo dài đã cuốn tất cả vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực làm môi trường thay đổi đột ngột; ô nhiễm hữu cơ cao, hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm thấp, chất rắn lơ lửng cao, làm tăng độ đục của nước, gây ảnh hưởng đến hô hấp của cá dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

Dân vớt cá chết đưa đi tiêu thụ
Cơn mưa lớn, kéo dài vào tối 15 rạng sáng 16-5, gây thiệt hại gần 1 ngàn tấn cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà 

Vào thời điểm cá chết, mực nước tại sông La Ngà rút xuống nhiều làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi. Trong khi đó, mật độ bè nuôi đậu dày cũng dẫn đến khả năng trao đổi nước trong bè bị hạn chế. Kết quả điều tra hiện trường cho thấy, một số loài cá tự nhiên và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở nhiều loài và kích cỡ khác nhau vào ngày 16-5 không có dấu hiệu bất thường của bệnh nhiễm khuẩn; không do các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Hồ Trị An rộng hơn 32 ngàn hécta, giáp ranh với các huyện: Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TX.Long Khánh. Trong đó, hoạt động nuôi cá lồng bè chủ yếu ở 6 xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Đinh, Thanh Sơn (huyện Định Quán), Mã Đà và TT.Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), với trên 430 hộ chăn nuôi. Việc quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An được xem là giải pháp thiết thực, lâu dài, để giải quyết tình trạng cá chết hàng loạt như thời gian qua, đồng thời đảm bảo ổn định cuộc sống người dân nuôi cá lồng bè.

Kết quả đo hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại cầu La Ngà trong ngày xảy ra hiện tượng cá chết dao động trong khoảng 2,8-3,2 mg/l, thấp hơn QCVN cho phép là trên 5mg/l. Kết quả phân tích các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ như: ammonia (N-NH4+), nitrite (N-NO2), nhu cầu oxy hóa học (COD)…đều cao hơn quy chuẩn cho phép. Cụ thể, hàm lượng N-NH4+ cao hơn giới hạn cho phép từ 4-7 lần; hàm lượng N-NO2 cao hơn từ 2-3 lần; COD vượt từ 3-16 lần…

Ngoài ra, xét nghiệm mẫu nước do người dân thu vào thời điểm đang có cá chết có chất lượng nước xấu; các chất ô nhiễm hữu cơ đều cao. Nhìn chung, chất lượng nước trong lưu vực được khảo sát của sông La Ngà đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ cao, tổng vi khuẩn hiếu khí khá cao.

Sau sự cố gần 1 ngàn tấn cá nuôi lồng bè chết trắng trên sông La Ngà, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án “quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”. Đồng thời, giao Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư đề án. Dự kiến, đề án sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nội dung công việc bao gồm: thu thập tài liệu, khảo sát đo đạc hồ Trị An, tổng hợp phân tích, nghiên cứu xây dựng lập đề án… 

Nước đục ngầu trên sông la Ngà sau cơn mưa lớn tôi ngày 15-5.
Quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An được xem là giải pháp thiết thực, lâu dài. Trong ảnh: Nước trên sông La Ngà đục ngầu sau cơn mưa lớn vào tối ngày 15-5.

Mục đích của đề án này là nhằm sắp xếp, quy hoạch lại vùng nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An cho phù hợp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm cục bộ vừa đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tránh trường hợp xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như thời gian qua.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều