(ĐN) - Ngày 17-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để bàn về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường...
(ĐN) - Ngày 17-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để bàn về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình trao đổi thêm với lãnh đạo các phòng GD-ĐT và các trường về công tác phòng, chống bạo lực học đường sau hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai |
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã nêu lên thực trạng và các giải pháp đảm bảo ninh, an toàn trường học và ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường tái diễn. Trong đó, phần lớn tập trung nhấn mạnh đến vai trò của nhà trường, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng và vai trò quan trọng của gia đình trong việc phối hợp giáo dục học sinh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn mong muốn tổ chức Đoàn - Hội - Đội của nhà trường phát huy mạnh hơn nữa vai trò, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh. Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Thông tin và truyền thông cần kiếm soát các trang mạng xã hội, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với học sinh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, phải coi trọng phòng hơn chống, gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra bạo lực học đường. Mỗi trường phải rà soát lại lực lượng học sinh, nắm rõ tâm lý hoàn cảnh của những học sinh đặc biệt để xây dựng biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường. Sắp tới, ngành giáo dục các địa phương cần bồi dưỡng kỹ năng tham vấn tâm lý học đường cho giáo viên, củng cố lại hệ thống phòng tham vấn tâm lý trong trường học.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần nghiêm khắc đối với học sinh gây ra bạo lực học đường nhưng Bộ cũng sẽ chỉ đạo xử lý kiên quyết đối với giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không có chuyện chỉ đình chỉ ít ngày hoặc luân chuyển đi dạy lớp khác, trường khác cho qua chuyện.
Công Nghĩa