(ĐN)- Sáng 20-4, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - không quân Việt Nam đã chính thức khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa...
(ĐN)- Sáng 20-4, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - không quân Việt Nam đã chính thức khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự Lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa |
Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thứ tưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Đồng Nai, dự lễ khởi động có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái…
Về phía Hòa Kỳ, dự lễ có Phó chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ Patrick Leahy; cácThượng nghị sĩ thuộc hai Đảng: Cộng hòa và Dân chủ Mỹ, cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.
.Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vĩnh chào đón Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, cùng các Nghị sĩ Mỹ đến dự buổi lễ tại Sân bay Biên Hòa. |
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, khu vực Sân bay Biên Hòa là điểm nóng bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin lớn nhất Việt Nam, với diện tích đất cần phải xử lý, tẩy độc trên 52 hécta, ước tính khối lượng đất cần xử lý là hơn 500 ngàn mét khối.
Theo ước tính của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần trên 390 triệu USD. Đây là một trong những dự án xử lý dioxin có quy mô lớn nhất thế giới. Thời gian thực hiện dự án có thể kéo dài đến trên 10 năm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của hai phía: Việt Nam - Hoa Kỳ và với bài học kinh nghiệm từ dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tin tưởng dự án sẽ thành công.
Đại biểu hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ dự buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ ca ngợi sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình chung tay xoa dịu vết thương chiến tranh. Ông cho rằng: “Dự án chung này là cột mốc đỉnh cao trong nhiều năm hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, bắt đầu từ những năm 1980, khi Chính phủ Việt Nam cung cấp sự hỗ trợ vô giá đối với Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh”.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, phối hợp với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ thực hiện khối lượng rất lớn công việc và làm tốt công tác chuẩn bị để hai nước chính thức khởi động dự án xử lý tẩy độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đại diện hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ thực hiện nghi thức cắt băng khởi động dự án |
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ tổ chức thực hiện thành công dự án, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm xử lý triệt để theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để huy động nhiều nguồn lực nhằm thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Các đại biểu chụp hình bên tấm biển ghi tên Dự án xử lý tẩy độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa, một sự kiện quan trọng về hợp tác giữa hai nước: Việt Nam - Hoa Kỳ. |
* Sau lễ khởi động dự án xử lý ô nhiễm chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa vào sáng 20-4, trưa cùng ngày, tại TP.Biên Hòa, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký kết với Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) bản ghi nhận ý định về quan hệ đối tác mới để hỗ trợ người khuyết tật.
Theo đó, USAID sẽ cung cấp các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng cho người khuyết tật tại 7 tỉnh tại Việt Nam, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai.
Tin và ảnh: Công Nghĩa