Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8-11, với 447/450 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,16%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8-11, với 447/450 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,16%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Toàn cảnh Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo đó, 12 chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích việc xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Dự thảo Luật gồm 17 chương, 152 điều.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Kiến trúc. Đây là dự án Luật lần đầu tiên được trình ra Quốc hội thảo luận.
Các đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng việc sớm ban hành Luật Kiến trúc nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư trong nước và nước ngoài đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang phát triển, nhu cầu xây dựng tăng cao. Để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật khi đi vào thực tiễn, một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quản lý kiến trúc, quy định hành nghề kiến trúc.
Chiều 8-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; báo cáo thẩm tra dự án Luật. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
Các đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013.
Quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Điều 30 dự thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Các đại biểu chỉ rõ nguyên tắc chung nên có một bộ sách giáo khoa chuẩn dùng cho cả nước do Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đề xuất, đảm bảo sự ổn định, ít nhất vài ba năm mới sửa một lần.
Nhiều ý kiến đề nghị không nên xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa để đảm bảo tính định hướng, tính thống nhất và các mục tiêu đã đặt ra cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Có ý kiến đề nghị không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nên giao cho Chính phủ phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông. Một số đại biểu yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo cung cấp sách giáo khoa cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; về Hội đồng và quy trình thẩm định, bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa./.
Theo TTXVN