Ngày 8-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Ngày 8-10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng phản biện xã hội là vấn đề lớn và mới, vì thế thời gian qua cách thực hiện còn mang tính hình thức, lúng túng. Các đại biểu nhận định phản biện xã hội là phương thức kiểm soát các văn bản của Đảng, Nhà nước trước khi thi hành, văn bản đó thể hiện ý nguyện của dân, được dân đồng tình sẽ hiệu quả khi đi vào cuộc sống. Phản biện xã hội mang tính nhân dân và xã hội rất sâu sắc, rộng lớn, đòi hỏi khi tổ chức phản biện phải đảm bảo được yếu tố này, phản ánh được ý kiến nhiều chiều, nhiều tầng lớp. Đồng thời, người tham gia phản biện xã hội phải có bản lĩnh, chuyên môn, chọn những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để phản biện; cơ quan có thẩm quyền nên bảo vệ những nhân tố này.
Về hình thức, cần phải công khai hoạt động phản biện của Mặt trận, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong triển khai công tác phản biện.
MTTQ các cấp cần xây dựng lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ phản biện là những người thực sự có kiến thức trên các lĩnh vực, có kinh nghiệm công tác; tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, hiểu được nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân và có đủ năng lực phản biện.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh: thời gian tới cần tiếp tục phát huy được vai trò của Mặt trận trong phản biện xã hội. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy vai trò chủ thể, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
(Theo TTXVN)