Ngày 17-9, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tổ chức cuộc họp mở rộng với sự tham gia của sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) để đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đề ra phương hướng cho những năm tiếp theo.
Ngày 17-9, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tổ chức cuộc họp mở rộng với sự tham gia của sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) để đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đề ra phương hướng cho những năm tiếp theo.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ được cải tiến ở phương thức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả bài thi (ảnh minh họa). |
Qua thảo luận nghiêm túc về 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các đại biểu nhận định kỳ thi được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học cũng như tình hình kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh. Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi đến hết năm 2020, song cần điều chỉnh về kỹ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn.
Cụ thể, trước hết sẽ rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong kỳ thi. Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi, đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi. Bên cạnh đó, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Phương thức tổ chức coi thi, chấm thi cần được cải tiến theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh, thành phố của mình. Tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các hội đồng thi.
Các giải pháp như vậy sẽ được cụ thể hóa trong quy chế và trong hướng dẫn để việc triển khai kỳ thi thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới.
P.V