(ĐN) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến hết ngày 20-9, toàn tỉnh ghi nhận có 115 ca mắc bệnh sởi. Trong đó, số trẻ dưới 9 tuổi mắc sởi cao nhất 22,6%. Địa phương có số ca mắc sởi cao nhất là huyện Nhơn Trạch với 53 ca,...
(ĐN) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến hết ngày 20-9, toàn tỉnh ghi nhận có 115 ca mắc bệnh sởi. Trong đó, số trẻ dưới 9 tuổi mắc sởi cao nhất 22,6%. Địa phương có số ca mắc sởi cao nhất là huyện Nhơn Trạch với 53 ca, tiếp đến là TP. Biên Hòa 22 ca và huyện Long Thành 19 ca. Toàn tỉnh cũng ghi nhận có 26 ca mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng, 25 ca mắc là người nhập cư.
Những gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa bệnh. Trong ảnh: Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng tại Trung tâm tiêu chủng VNVC Đồng Nai (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh:Tư Liệu |
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế dịch lây lan như truyền thông, điều tra xử lý ổ dịch, ca bệnh, điều trị tích cực, rà soát các đối tượng trong độ tuổi chưa được tiêm chủng, nhất là đối tượng vãng lai, nhập cư để tiến hành cho tiêm bổ sung sởi/Rubella.
Do bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp nên công tác phòng chống dịch trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, nhất là việc xác định nguồn lây, xử lý ổ dịch. Vì vậy, ngoài các biện pháp phòng chống dịch do ngành y tế triển khai, người dân cũng cần chủ động nêu cao ý thức tự phòng bệnh cho chính bản thân mình và người thân bằng việc vệ sinh môi trường nơi sinh sống; tiêm vaccine phòng sởi, khi phát hiện các dấu hiệu bị bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
Trung tâm Y tế dự phòng cũng cũng đề nghị Viện Pastuer TP.Hồ Chí Minh cử chuyên gia xuống hỗ trợ tỉnh trong việc điều chỉnh kế hoạch, đưa các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong phòng chống dịch; hướng dẫn, cung cấp nguồn vaccine bổ sung để tiêm vaccine sởi đại trà cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh.
Hạnh Dung