(ĐN) – Ngày 24-9, Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh, thành trên cả nước nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019...
* Đồng Nai đề nghị bố trí vốn cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành
(ĐN) – Ngày 24-9, Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh, thành trên cả nước nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai |
Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm với 56 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018, đồng thời bám sát phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để phấn đấu thực hiện vượt các mục tiêu do Quốc hội đề ra.
Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng được duy trì ở mức 4%, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý 17%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Xuất khẩu và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, ước GDP tăng khoảng 6,7%, tương đượng với 240,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.540 USD tăng thêm 155 USD so với năm trước.
Tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch - đầu tư sớm bố trí vốn các dự án đầu tư công để triển khai dự án; trường hợp chưa bố trí được vốn thì hướng dẫn các địa phương ứng trước vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hạn chế phát sinh tiền lãi suất và đội giá vì thời gian kéo dài.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội sớm thông qua việc sử dụng 10% nguồn vốn dự phòng của trung ương, địa phương để thực hiện các dự án đang cần vốn gấp. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang triển khai dự án BT nhưng gặp vướng mắc trong khâu đổi đất lấy hạ tầng, vì vậy Bộ Kế hoạch - đầu tư cần sớm có văn bản hướng dẫn để tránh các dự án phải dừng lại để chờ.
Cũng theo đại diện các tỉnh, thành, Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nhưng hiện chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Các địa phương băn khoăn về việc bỏ các quy hoạch ngành, nhất là những ngành nhạy cảm như: cấp phép thành lập quán bar, karaoke..., thì liệu sẽ có biện pháp nào để quản lý chặt chẽ hơn không?
Mặt khác, theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch của 63 tỉnh, thành phù hợp quy hoạch của cả nước nhưng hiện quy hoạch của cả nước chưa hoàn thiện. Như vậy, các tỉnh thành sẽ chờ Trung ương làm quy hoạch xong mới làm quy họach địa phương để phù hợp hay cùng làm song song? Thời gian Luật Quy hoạch có hiệu lực chỉ còn hơn 3 tháng nữa, cùng lúc các tỉnh thành cùng làm quy hoạch thì sẽ không đủ lực lượng và nếu kéo dài có nhiều dự án giao thời sẽ bị đình trệ.
Về phía Đồng Nai, ngoài những nội dung khó khăn chung như các tỉnh thành nói trên, tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị tăng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương trong giai đoạn 2019-2020 lên 10,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn 2 lần so với quyết định của Chính phủ. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính sớm bố trí vốn để triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư cho Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khoảng 83% trong tổng số các vướng mắc mà các địa phương kiến nghị đã được Bộ soạn thảo văn bản và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong thời gian tới. Như vậy, phần lớn những khó khăn của các địa phương sẽ được tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết, tới đây sẽ có Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch. Nhưng muốn kinh tế các địa phương tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt và vượt kế hoạch Trung ương giao, các tỉnh, thành cần đẩy nhanh công tác quy hoạch, xác định các dự án trọng điểm đưa vào quy hoạch để mời gọi đầu tư.
Ngoài ra, muốn thu hút đầu tư tốt, các địa phương phải chuẩn bị sẵn mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực đầy đủ cho các dự án. Tự các tỉnh, thành phải chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư...
Hương Giang