Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi

11:06, 08/06/2018

Sáng 8/6, với 88,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Luật có 7 Chương và 40 Điều, quy định về nguyên tắc, chính sách...

Sáng 8/6, với 88,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Quốc phòng sửa đổi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quốc hội thông qua toàn văn Luật Quốc phòng sửa đổi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Luật có 7 Chương và 40 Điều, quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng. 

* Kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng 

Luật quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội. 

Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ. 

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội của Bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc. 

Luật cũng quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế-quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng cho ý kiến, tham gia thẩm định theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan. Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (từ 88 xuống còn 18 doanh nghiệp), sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác. 

Các đoàn kinh tế-quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người...; có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đồng thời là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp. 

* Năm trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang 

Về nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, Điều 24 Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. 

Sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước; trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật; trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia; khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng quốc phòng và an ninh; hoặc khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh cũng có thể sử dụng lực lượng vũ trang và việc sử dụng này do Chính phủ quy định. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 13 Luật Quốc phòng hiện hành quy định về nguyên tắc hoạt động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng chưa quy định đầy đủ các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang, nên việc sử dụng chưa thống nhất. 

Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định 5 trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang là phù hợp và cần thiết./.

THANH VÂN-HIỀN HẠNH (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều