Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu quốc hội thảo luận về 2 dự án luật

10:06, 11/06/2018

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, ngày 11-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); thảo luận về 2 dự án: Luật Đặc xá (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, ngày 11-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); thảo luận về 2 dự án: Luật Đặc xá (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN
Đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Theo nhiều đại biểu, hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá thời gian qua là số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn, chưa thể hiện rõ tính đặc biệt của đặc xá đối với người phạm tội. Do đó, các đại biểu cho rằng các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá. Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song 2 chế định này sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ đặc xá vào dịp Quốc khánh 2-9 hoặc Tết Nguyên đán sẽ giúp các cơ quan tham mưu, thực hiện chủ động trong triển khai Luật Đặc xá.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng để bảo đảm ý nghĩa của công tác đặc xá, bảo đảm lựa chọn chính xác các trường hợp để trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá cần bổ sung các quy định nhằm tăng cường các thiết chế kiểm tra, giám sát; bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan; trách nhiệm kiểm tra của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; trách nhiệm kiểm soát giữa các khâu và giữa các cơ quan; trách nhiệm giám sát của MTTQ các cấp đối với công tác đặc xá.

Về dự thảo Luật Giáo dục, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng giáo dục. Với chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm, các đại biểu tranh luận về đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng hình thức vay tín dụng và cho rằng đó chưa phải là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết triệt để vấn đề chất lượng ngành sư phạm bởi tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ các trường chính quy trong ngành sư phạm có việc làm rất thấp, nếu áp dụng hỗ trợ tài chính bằng hình thức cho vay tín dụng là không hợp lý. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào mục tiêu giáo dục nội dung “Nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, kỹ năng, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp” để khắc phục những hạn chế, yếu kém về kỹ năng, sự hiểu biết về cuộc sống và nhất là trình độ ngoại ngữ dẫn đến khó hòa nhập với thế giới của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề: phạm vi điều chỉnh, hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình, văn bằng giáo dục; hệ thống cơ sở giáo dục, việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và một số vấn đề khác Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình và phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngày 12-6, Quốc hội làm việc tại hội trường để biểu quyết thông qua: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Hà Lam (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều