Báo Đồng Nai điện tử
En

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành chương trình phiên họp thứ 24

08:05, 16/05/2018

Sau ba ngày làm việc tích cực, khẩn trương, chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 24.

Sau ba ngày làm việc tích cực, khẩn trương, chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 24. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 4 nghị quyết về các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đối với từng nội dung cho ý kiến, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận cụ thể, sẽ có thông báo tới các cơ quan tiếp tục thực hiện. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các Ủy ban, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án luật và hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trước khi ký ban hành; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương rà soát, hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung cũng như các điều kiện để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 21/5 tới; trong đó chú trọng gửi hồ sơ tài liệu để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu trước và chuẩn bị ý kiến tham gia một cách toàn diện, sâu sắc, góp phần vào chất lượng kỳ họp.

Vừa qua, để kịp thời giải quyết những vấn đề cần thiết, cấp bách, Chính phủ đã đề nghị bổ sung một số nội dung vào phiên họp thứ 24. Do việc bổ sung gần sát ngày khai mạc phiên họp nên các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian nghiên cứu, xem xét, thẩm tra. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị, sớm gửi tài liệu đến các Ủy ban của Quốc hội để tiến hành thẩm tra và nếu kịp thì có thể đưa ra vào Kỳ họp thứ 5 sắp tới. 

Trước đó, chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). 

Các ý kiến cơ bản đồng tình và đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo, đặc biệt là Bộ Công an đã đi đầu trong tổ chức tinh giản bộ máy, biên chế. 

Sau khi thảo luận, các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật để bảo đảm tính hợp hiến, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tính khả thi sau khi được ban hành. 

Thống nhất với chủ trương xây dựng lực lượng công an xã chính quy, các ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng cần có lộ trình và phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động của việc đưa lực lượng công an chính quy từ cấp trên về cấp xã; về công tác bố trí đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách hiện nay, đồng thời đảm bảo tính tương ứng giữa công an xã và quân sự xã.../.

HOÀNG THỊ HOA (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều