Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu Quốc hội: Cần phải có hình thức bảo vệ người tố cáo

03:05, 24/05/2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 24/5, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Sáng 24/5, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Chia sẻ quan điểm bên lề phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo là rất cần thiết.

Các đại biểu Quốc tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Các đại biểu Quốc tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Cần quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo 

Điểm nổi bật của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) là đã quy định chi tiết hơn về bảo vệ người tố cáo. Dự thảo có 3 nhóm biện pháp bảo vệ người tố cáo, bao gồm: Bí mật thông tin; tính mạng, sức khỏe, tài sản danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác; vị trí công tác, việc làm của người tố cáo.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, cơ quan lập pháp cần lấy ý kiến đồng thuận của người dân, đặc biệt những người đã tham gia vào quá trình tố cáo. Từ đó, đưa ra các phương án về hình thức bảo vệ và phạm vi bảo vệ. Trong đó, nên dựa vào khái niệm người thân thích được quy định ở Bộ luật Dân sự. 

Theo đại biểu, việc bảo vệ phải được phân loại, những vụ việc tố cáo nghiêm trọng có khả năng dẫn đến nguy cơ cần có hình thức bảo vệ cụ thể, chứ không phải khi họ tố cáo là phải bảo vệ, hoặc đưa họ đến vị trí nào đó để sử dụng công an, lực lượng bảo vệ. 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nhận định, dự thảo Luật Tố cáo đã mở rộng so với nhiều năm trước trong việc bảo vệ một số đối tượng liên quan đến người tố cáo. 

Theo đại biểu, từ thực tế trong công tác giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo của công dân cho thấy, trước đây, người thân của người tố cáo không được bảo vệ là hơi "cứng." Để phát huy quyền tố cáo của công dân, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, những đối tượng cần được bảo vệ phải do người tố cáo đề xuất và trong giới hạn nhất định vì còn liên quan đến nhân lực, kinh phí bảo vệ. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, Luật Tố cáo sửa đổi lần nay đã bổ sung rất nhiều nội dung, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt rất quan tâm đến việc bảo vệ người tố cáo. 

Theo đại biểu, tùy theo từng trường hợp để có hay không phương án bảo vệ. "Trường hợp người bị tố cáo là đối tượng có thể gây nguy hiểm cho người thân của người tố cáo, cần phải có biện pháp bảo vệ tùy theo từng hoàn cảnh, mức độ của sự việc," đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lấy ví dụ. 

Có nên mở rộng các hình thức tố cáo? 

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) có nhiều đổi mới, phạm vị được mở rộng, tính khả thi cao và có tác động lớn đến công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), trong điều kiện hiện nay, chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp. 

Hiện nay, có đến 50-60% tố cáo không đúng, 15-20% là tố cáo đúng, còn lại là có đúng có sai. Nếu mở rộng hình thức tố cáo, cơ quan tiếp nhận tố cáo phải giải quyết quá nhiều vấn đề sẽ không đảm bảo tính khả thi của Luật. Nếu mở rộng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều cơ quan vẫn đang tiếp nhận qua thư, điện thoại, nhưng bây giờ quy định vào luật lại phải tiếp nhận xem xét, giải quyết theo trình tự, quy định, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, vậy lực và kinh phí cho hoạt động này như thế nào, đại biểu nhấn mạnh. 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, việc tố cáo phải chính danh, minh bạch để đảm bảo trách nhiệm của người tố cáo và quy trình giải quyết, không nên chấp nhận hình thức giao kết bằng điện thoại và fax, email. 

Tuy nhiên, không ít ý kiến nêu rõ, thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, việc không mở rộng hình thức tố cáo là lạc hậu. Việc áp dụng các hình thức qua tin nhắn, điện thoại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thể hiện quyền tố cáo của mình, tránh bỏ sót tội phạm. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, việc áp công nghệ thông tin rất tiện lợi trong nhiều công việc. Hình thức tố cáo không quan trọng, quan trọng là chính danh. Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm khuyến khích người tố cáo, mạnh dạn tham gia tố cáo và cung cấp những thông tin cho các cơ quan chức năng trong vấn đề về tham nhũng, lãng phí và nhiều vấn đề khác./.

ĐỖ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều