(ĐN)- Ngày 25-12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc di dời người dân đến khu vực tránh trú bão an toàn trước 10 giờ...
(ĐN)- Ngày 25-12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc di dời người dân đến khu vực tránh trú bão an toàn trước 10 giờ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra phòng chống lụt bão tại hồ Suối Đôi, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ |
Theo thống kê ban đầu, TP.Biên Hòa có khoảng hơn 900 lồng bè của hơn 200 hộ ở sông Đồng Nai. Đến sáng 25-12, qua kiểm tra còn khoảng 30 lồng bè chưa đưa lên, chính quyền địa phương hiện đang tiếp tục vận động.
Tại huyện Vĩnh Cửu, đến thời điểm hiện tại, có 130 bè các với 90 hộ dân sống trên lồng bè và 5 hộ dân sống gần khu vực sạt lở ở xã Tân An đã được đưa đến nơi tạm trú an toàn. Đến 10 giờ 30, ngày 25-12, huyện Định Quán đang vận động, thông báo di dời 1.004 lồng bè, 250 ghe, thuyền đưa về nơi trú bão an toàn.
Huyện Nhơn Trạch cũng đang khẩn trương triển khai di dời 280 hộ dân, trong đó xã Phước An có 30 hộ, Phước Khánh có 10 hộ, Phú Hữu có 200 hộ...di dời cách xa 2km. Riêng huyện Tân Phú cũng đang gấp rút chuẩn bị lực lượng phương tiện, nhân lực để tổ chức di dời ngay, bởi điểm di dời cách xa từ 500 mét trở lên.
* Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Đồng Nai, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho hay, từ sáng nay, hoàn lưu bão số 16 đã bắt đầu ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Đồng Nai, gây mưa nhỏ nhiều nơi, sau đó mưa lớn dần, gió mạnh dần.
Gió mạnh chủ yếu ở phía Nam tỉnh, trước hết ở huyện Cẩm Mỹ, sau đó đến Long Thành và Nhơn Trạch. Sức gió mạnh nhất khi bão ảnh hưởng ở vào khoảng cấp 6 (10.8 – 13.8 m/s), giật cấp 8 (17.2 – 20.7m/s), có thể làm cây cối rung chuyển, gãy cành, tốc mái nhà, khó đi ngược gió.
Cũng do ảnh hưởng của bão, lượng mưa trên địa bàn các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành và Nhơn Trạch ở vào khoảng 40 - 70mm, nhiều hơn các huyện phía Bắc của tỉnh. Các địa phương cần đề phòng lốc xoáy do ảnh hưởng bão. Lưu ý mưa lớn có thể gây sạt lở đất ở các sườn dốc, lũ lên đột ngột ở các sông suối nhỏ.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện nay mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn ngưỡng tràn và đang tiến hành xả nước để đảm bảo dung tích phòng lũ, ứng phó khi hoàn lưu bão gây mưa lớn.
Tại hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú), mực nước thấp hơn ngưỡng tràn 0,33cm và lưu lượng xả qua cống là 0,82m3/s. Tại hồ Cầu Mới (huyện Long Thành), mực nước thấp hơn ngưỡng tràn 0,35cm và lưu lượng xả qua cống là 0,71m3/s.
* Sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Võ Văn Chánh đã về các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và TP.Biên Hòa để kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão.
Tại các khu vực nuôi cá bè trên sông Đồng Nai (thuộc TP.Biên Hòa) - nơi vẫn còn khoảng 30 lồng bè chưa đưa lên bờ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu phải đẩy mạnh việc di dời. Trong đó, chính quyền TP.Biên Hòa và trực tiếp là các xã, phường có lồng bè phải làm hết trách nhiệm, nếu cần thiết phải cưỡng chế đưa các hộ lên bờ để đảm bảo tính mạng cho nhân dân.
Thanh Hải - Đăng Tùng