Ngày 13-10, tại Hà Nội, các cơ quan gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngày 13-10, tại Hà Nội, các cơ quan gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ khắc phục hậu quả mưa lũ. Các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đang tham dự phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan đã đóng góp mỗi người ít nhất 1 ngày lương để hỗ trợ đồng bào bị thiên tai.
Theo báo cáo sáng 13-10 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, mưa lũ đã làm 54 người thiệt mạng (Sơn La 6 người, Yên Bái 6, Hòa Bình 17, Thanh Hóa 14, Nghệ An 9, Hà Nội 2). Hiện còn 39 người vẫn mất tích (Sơn La 2 người, Yên Bái 16, Hòa Bình 15, Thanh Hóa 5, Quảng Trị 1). Bên cạnh đó, mưa lũ làm 189 ngôi nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập và khoảng 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; 50 ngàn hécta lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; gần 6 ngàn gia súc, 174 ngàn gia cầm chết và bị lũ cuốn trôi.
Lũ lớn khiến lưu lượng nước một số sông vượt đỉnh, xảy ra sự cố trên 60 tuyến đê ở Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định và Hà Nam. Tại Hà Nội, 11 đoạn đê với tổng chiều dài khoảng 13.950m tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai bị tràn.
Trong khi đó, sáng 13-10 bão Khanun đã vượt qua phía Bắc đảo Luzon (Philippines) và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 11.
Bão Khanun hướng vào khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ chỉ vài ngày sau khi đợt mưa lũ bất thường, kỷ lục ở những khu vực này vừa kết thúc. Mưa lớn từ bão khiến các vùng này tiếp tục đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm.
P.V (tổng hợp)