(ĐN)- Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với Ban chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 6-9...
(ĐN)- Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với Ban chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 6-9.
Con của công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2) vui chơi tại trường mầm non do công ty đầu tư xây dựng. |
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, nguời lao động là vốn quý của doanh nghiệp, nếu không chăm lo tốt cho người lao động thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần làm việc của họ. Từ đó, gây giảm sút chất lượng, năng suất lao động, giảm đơn hàng và chủ doanh nghiệp là người chịu thiệt nhất.
Do đó, Công đoàn cơ sở ở nhiều nơi đã mạnh dạn đề xuất, thương lượng với chủ doanh nghiệp ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể và tổ chức nhiều hoạt động có lợi cho người lao động. Trong đó, có bữa ăn giữa ca cho người lao động, tặng quà nhân dịp lễ tết, hỗ trợ lao động khó khăn bị bệnh, xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, phụ cấp các loại như: nhà ở, nuôi con nhỏ, thâm niên…
Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra đối với các cấp quản lý là song song với việc vận động các doanh nghiệp nâng cao phúc lợi cho người lao động, thì các cấp quản lý cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khi thực hiện.
Chẳng hạn, như cung cấp quỹ đất sạch để doanh nghiệp xây trường học, phòng khám, siêu thị…phục vụ công nhân, con công nhân. Bởi trên thực tế, một số công ty như: Taekwang Vina Industrial, Pouchen Việt Nam, Changshin Việt Nam… để đưa một công trình phục vụ người lao động đã phải trải qua rất nhiều công đoạn, thủ tục phức tạp, khó khăn, rườm rà.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với hơn 25,8 ngàn doanh nghiệp và hơn 995,9 ngàn người lao động.
Hạnh Dung