Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiêu khê với bảo hiểm thất nghiệp

10:06, 18/06/2017

Trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh có khoảng 200-300 trường hợp người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp do không đến nhận tiền đúng ngày hẹn.

Trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh có khoảng 200-300 trường hợp người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp do không đến nhận tiền đúng ngày hẹn.

Rất đông người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Rất đông người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Không những không được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp một lần như trước kia mà khi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đang gặp phải rất nhiều phiền toái vì nhiều quy định quá cứng nhắc.

* Trễ hẹn, mất tiền

Theo quy định của Thông tư 28, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn được nhận hoặc ủy quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau: ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.

Ngày 10-6, ông Đ.V.P. (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đến Bảo hiểm xã hội TP.Biên Hòa để lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 2/7 tháng được hưởng. Nhân viên bảo hiểm xã hội thông báo rằng ông không được hưởng tiền trợ cấp tháng này do đến trễ ngày hẹn (ghi trong thông báo từ ngày 5-6 đến ngày 7-6). Mất 3 triệu tiền trợ cấp, ông P. vừa buồn vừa bức xúc.

Ông P. cho biết sau hơn 7 năm làm công nhân, ông nghỉ việc và hiện chưa có công việc mới. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ. Tháng này không được nhận tiền trợ cấp nên ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông.

Trong khi đó, bà Phạm Phương Dung (45 tuổi, ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) than vãn: “Tôi sức khỏe kém lại bị bệnh nên mới xin nghỉ việc, giờ chỉ ở nhà làm nội trợ, không có nhu cầu tìm việc làm nhưng suốt 12 tháng tôi vẫn phải lên Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai để thông báo tìm việc theo quy định. Nhà ở xa, tháng nào chồng hoặc con tôi cũng phải nghỉ làm một ngày để chở tôi đến trung tâm. Điều này gây phiền toái và bất lợi cho gia đình tôi rất nhiều”.

Rất nhiều người lao động đều cho rằng quy trình và cách thức hưởng trợ cấp thất nghiệp còn nhiều rắc rối, cứng nhắc và chưa thật sự tạo điều kiện cho người lao động. Chỉ riêng việc phải “trình diện” tại trung tâm dịch vụ việc làm mỗi tháng một lần, hàng tháng phải đến bảo hiểm xã hội nhận tiền đã khiến nhiều người thấy bất tiện.

* Đó là quy định!

Năm 2015, Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành Thông tư 28 hướng dẫn thực hiện điều 52 của Luật Việc làm và một số điều liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Thông tư quy định, sau thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình giám đốc sở lao động - thương binh và xã hội quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. 

Ông Võ Sơn Thu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, cho hay trước đây theo Thông tư 04, Nghị định 32, nếu người lao động có việc làm rồi thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần. Còn nay theo Thông tư 28, khi người lao động đã có việc làm thì sẽ bị cắt tiền trợ cấp thất nghiệp. Thông tư 28 cũng quy định rõ thời gian người lao động đến bảo hiểm xã hội nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

“Việc người lao động phải đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng vào đúng ngày hẹn là một cách để thông báo tìm việc làm hoặc để “điểm danh”. Mặc dù điều đó gây ra một số phiền toái cho người lao động, nhưng không có cách nào khác vì đó là quy định của pháp luật” - ông Võ Sơn Thu nhấn mạnh.

Nói về việc người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp nếu không đến đúng hẹn, ông Thu cho biết số tiền này nằm trong quỹ trợ cấp thất nghiệp chung. Nếu ai không đến nhận đúng hẹn thì tiền này sẽ được xung vào quỹ chung và người lao động mất khoản tiền trợ cấp của tháng đó. Tháng sau nếu người lao động đến bảo hiểm và báo với nhân viên bảo hiểm thì sẽ tiếp tục được hưởng.

Để tránh trường hợp người lao động mất tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh), nhắn nhủ người lao động nên đặt lịch ghi nhớ để không quên ngày đi lĩnh tiền. Nếu có vấn đề gì không đi được thì nên ủy quyền cho người khác đi nhận thay mình.

Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích