(ĐN) – Sáng ngày 19 – 5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn về kết quả triển khai việc nhân rộng và ứng dụng vào thực tế các các đề tài, dự án khoa học công nghệ.
(ĐN) – Sáng 19 – 5, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn về kết quả triển khai việc nhân rộng và ứng dụng vào thực tế các các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN).
Đoàn giám sát tham quan mô hình vườn lan Mokara cắt cành tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn, giai đoạn 2010 – 2016, đơn vị đã tiếp nhận 16 đề tài, dự án KHCN về lĩnh vực nông nghiệp từ Sở KHCN. Một số đề tài tiêu biểu, như: xây dựng mô hình sản xuất xoài theo quy chuẩn Global GAP tại huyện Xuân Lộc; nghiên cứu các biện pháp phục hồi vườn cà phê tại huyện Cẩm Mỹ; xây dựng mô hình nuôi chồn hương; xây dựng quy trình nuôi heo rừng...
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đề tài được triển khai trên một phạm vi nhỏ nên rất khó khăn khi nhân rộng vào thực tế. Ngoài ra, các đề tài, dự án vẫn còn một số điểm chưa phù hợp; chưa kết nối được thị trường...
Trước đó, Đoàn đã tham quan và tìm hiểu thực tế về kết quả thực hiện một số đề tài trên địa bàn các huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và TX. Long Khánh. Các đề tài này đều đã áp dụng vào thực tế, góp phần cải tạo chất lượng giống mía, cà phê; xây dựng được vùng xoài, chôm chôm... được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...đạt chuẩn xuất khẩu.
Đoàn giám sát tham quan vườn cà phê giống mới cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Thống Nhất. |
Đoàn cũng đã làm việc với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ) về kết quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học giai đoạn 2010 – 2020. Từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm đã triển khai 30 đề tài, dự án. Trong đó, tại Trung tâm đã triển khai và duy trì được 14 mô hình là điểm trình diễn KHCN, như: mô hình nuôi heo rừng, Dúi móc lớn, chồn hương, dưa lê trong nhà màng...
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp thực hiện các đề tài đưa vào ứng dụng tại các địa phương, như: đánh giá tiềm năng và thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai; hoàn thiện chuỗi giá trị bưởi Tân Triều; mô hình chăn nuôi dê Boer...
Nhiều đề tài nói trên đã hoàn thiện, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Tuy nhiên, đa số các đề tài nghiên cứu vẫn khó triển khai và nhân rộng vào thực tế, vì chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia, bao tiêu sản phẩm.
Tin, ảnh: Bình Nguyên