Báo Đồng Nai điện tử
En

Đeo "vòng" cho heo, khó mấy cũng phải làm!

06:04, 20/04/2017

 Ngày 19-4, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã họp với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, khai thông việc đưa heo thịt từ Đồng Nai vào TP.Hồ Chí Minh.

Ngày 19-4, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương Đồng Nai và Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thông việc đưa heo thịt từ Đồng Nai vào thị trường TP.Hồ Chí Minh.

Theo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, với quy mô gần 10 triệu dân, hàng ngày TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ hơn 10.000 con heo thịt, trong đó riêng tỉnh Đồng Nai cung ứng khoảng 5.000 con.

chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chủ trì cuộc họp

Để có nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, từ cuối năm 2016, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đề án: “Quản lý và nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo” trong hệ thống siêu thị, các kênh phân phối hiện đại và bắt đầu từ ngày 1-3-2017 đã cho triển khai đồng loạt đến các chợ truyền thống.

Qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện đề án, đến nay chương trình đã thu hút 1.034 trang trại thuộc 15 tỉnh, thành khu vực phía Nam tham gia. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh tham gia nhiều nhất với 420 trang trại.

Từ ngày 1-3 đến 16-4-2017, trong số hơn 470 ngàn con heo từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ đã có 221 ngàn con được kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc, trong đó có 112 ngàn con heo có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai.

Cũng theo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, điều đáng nói là trong khi các trang trại lớn của các doanh nghiệp FDI như Công ty CP Việt Nam đang rất tích cực tham gia và xem đây là cơ hội cần tận dụng để xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất, chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trước hàng nhập khẩu, thì các hộ chăn nuôi, trang trại gia đình vẫn thờ ơ, thậm chí viện nhiều lý do để dây dưa không thực hiện.

Nguyên nhân, một phần là do các hộ chăn nuôi, trang trại gia đình ngại thay đổi thói quen tập quán sản xuất lâu nay, nhưng mặt khác còn do tác động, phản ứng của một số thương lái khi họ thấy công việc kinh doanh của mình bị kiểm soát.

Nhiều hộ chăn nuôi, trang trại gia đình vì vậy đã nêu ra rất nhiều lý do như: khó đeo vòng; đeo vòng heo bị thâm thịt, khó bán…, nhưng tất cả những lý do này đều không hợp lý. Bởi, trên thực tế, kể từ khi TP.Hồ Chí Minh triển khai đề án đến nay đã có trên 50% lượng heo đưa về thành phố được kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, việc thực hiện đề án này ở những trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều diễn ra rất suôn sẻ.

Người chăn nuôi nên chủ động tham gia đề án để đủ điều kiện đưa heo tiêu thụ tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Trại chăn nuôi tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất).
Người chăn nuôi nên chủ động tham gia đề án để đủ điều kiện đưa heo tiêu thụ tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Trại chăn nuôi tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất).

Sắp tới, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến kỹ thuật đeo vòng và các thao tác đăng ký, kích hoạt…, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Công thương và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai về tận các địa phương, mà trước hết là 5 huyện có đàn heo tập trung lớn nhất của tỉnh để tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện.

Theo đó, TP.Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đeo vòng cho heo từ nay đến giữa tháng 9. Đối với những hộ nông dân, chủ trang trại, khi tham gia các Tổ hợp tác, Hợp tác xã có đăng ký và thực hiện kích hoạt cung cấp thông tin xuất xứ nguồn gốc đàn heo có thể được hỗ trợ kinh phí 100%.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và sắp tới là trứng và thịt gà là hướng đi đúng đắn, mang tính chiến lược mà TP.Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện. Tỉnh Đồng Nai hoàn toàn ủng hộ chương trình này và thời gian tới đây, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà cũng sẽ được triển khai tại TP Biên Hòa cùng các địa phương khác trong tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc “đeo vòng cho heo” là công việc bắt buộc người nông dân và các chủ trang trại phải thực hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, việc thay đổi tập quán, thói quen canh tác, chăn nuôi là vấn đề khó, vì vậy cần có thời gian, lộ trình.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh và chính quyền các địa phương phối hợp với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn, hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể cho người chăn nuôi trong tỉnh.

"Đối với một số người, công việc này có thể gây cảm giác khó chịu, nhưng khó mấy cũng phải làm! Bởi, khi đã tham gia thị trường thì phải chấp nhận luật chơi của thị trường" - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

                                                                                        Minh Thanh

Tin xem nhiều