(ĐN)- Ngày 16-2, Liên đoàn lao động tỉnh đã tổ chức tập huấn các nội dung, quy trình, phương pháp tổ chức hội nghị người lao động và kỹ năng đối thoại tại nơi làm việc cho cán bộ công đoàn...
(ĐN)- Ngày 16-2, Liên đoàn lao động tỉnh đã tổ chức tập huấn các nội dung, quy trình, phương pháp tổ chức hội nghị người lao động và kỹ năng đối thoại tại nơi làm việc cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn ngành và một số cán bộ công đoàn ở doanh nghiệp có đông công nhân.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng phát biểu tại buổi tập huấn. |
Theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP và các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức hội nghị người lao động, bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện cần thiết cho hội nghị này.
Cụ thể, doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên phải tổ chức hội nghị người lao động với 12 tháng/lần. Trong đó, hội nghị cần thỏa thuận về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những vấn đề liên quan đến việc làm, lợi ích của người lao động; kết quả kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định, quy chế của doanh nghiệp…
Cán bộ công đoàn tham gia buổi tập huấn. |
Bên cạnh đó, cần tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động tại nơi làm việc…
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng cho biết, năm 2016, hoạt động công đoàn ở Đồng Nai đạt một số kết quả quan trọng, cơ bản bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình tranh chấp lao động vẫn xảy ra nhiều. Nếu các doanh nghiệp tổ chức tốt Nghị định 60 của Chính phủ sẽ góp phần hạn chế thấp nhất tình hình tranh chấp lao động. Do vậy, trong năm 2017, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền thực hiện Nghị định 60 cho cán bộ công đoàn.
Phương Hằng