Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứu sống bé trai sơ sinh có gan ngoài ổ bụng

05:02, 07/02/2017

(ĐN) – Đó là bé H.M.H, 7 ngày tuổi, ngụ tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) có toàn bộ lá gan nằm ngoài ổ bụng, với đường kính 10cm, nhìn giống một quả cam, nặng khoảng 300g...

(ĐN) – Đó là bé H.M.H, 7 ngày tuổi, ngụ tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) có toàn bộ lá gan nằm ngoài ổ bụng, với đường kính 10cm, nhìn giống một quả cam, nặng khoảng 300g. Sau 5 ngày được các bác sĩ Khoa  phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phẫu thuật di dời toàn bộ lá gan vào trong bụng, đến ngày 7-2, bé H. đã có thể bú 40ml sữa, tiêu hóa bình thường và có dấu hiệu hồi phục cao, tim mạch ổn định.

Bác sĩ Vũ Công Tầm Trưởng Khoa  phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang phẫu thuật cho bé H.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang phẫu thuật cho bé H.

Ngày 2-2, ngay sau khi được sinh ra ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với cân nặng 3,1kg, bé H đã được chuyển sang Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai với một khối thoát vị to lòi ra ngoài, có vị trí trước bụng. Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị tật dây rốn, phình cuống rốn, thoát vị gan ra ngoài. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật suốt 3 giờ để bóc tách toàn bộ lá gan đưa vào đúng vị trí trong ổ bụng.

Bé H.M.H đã có thể bú sữa trở lại.
Bé H.M.H đã có thể bú sữa trở lại.

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa  Phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, thoát vị gan rất hiếm gặp. Cái khó của ca phẫu thuật là bóc tách lá gan sao cho không làm đứt các mạch máu, ống mật để tránh ứ mật rồi xơ gan; đồng thời phải tìm đủ chỗ ở cho gan khi vào trong bụng, nếu không gan sẽ bị chết nghẹt do thiếu máu. Do đó, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải rất thận trọng và tỉ mỉ, thu gọn các nội tạng còn lại trong ổ bụng để nhường chỗ đưa gan vào trong. Sau khi khâu ổ bụng, các bác sĩ kiểm tra  áp lực ổ bụng, tuần hoàn và hô hấp của bé H. đều ổn định.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều