Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết của vợ lính Trường Sa

01:01, 30/01/2017

Mâm cơm đưa ông bà trưa mùng ba Tết Đinh Dậu chỉ khác ngày thường đĩa giò lụa. Chị Dung quạnh hiu ngồi trước bàn thờ chồng nín lặng, rồi nhìn lên di ảnh, nước mắt lưng tròng. Chồng chị - chiến sĩ Phan Văn Hạnh - đã hi sinh ở Trường Sa khi đang làm nhiệm vụ.

Mâm cơm đưa ông bà trưa mùng ba Tết Đinh Dậu chỉ khác ngày thường đĩa giò lụa. Chị Dung quạnh hiu ngồi trước bàn thờ chồng nín lặng, rồi nhìn lên di ảnh, nước mắt lưng tròng. Chồng chị - chiến sĩ Phan Văn Hạnh - đã hi sinh ở Trường Sa khi đang làm nhiệm vụ.

 Trung úy Hạnh bên vợ con lúc còn sống, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh của gia đình.
Trung úy Hạnh bên vợ con lúc còn sống, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh của gia đình.

1. Căn nhà nhỏ ở tổ 1, ấp 2, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch vào trưa mùng ba tết có thêm tiếng nói cười của những người hàng xóm, nhưng vẫn không xua tan được nỗi buồn. Đã ba cái tết kể từ ngày anh Hạnh hi sinh, mẹ con chị Dung vẫn nén nỗi đau mất chồng, mất cha đón tết, chỉ khác là đón tết trong nhớ thương và không ấm cúng hạnh phúc như những gia đình khác

Trong căn nhà cấp bốn gọn gàng ngăn nắp, mặc dù cố khỏa lấp niềm riêng day dứt trong lòng, nhưng chị Dung không khỏi ngậm ngùi xúc động. “Ba năm rồi, tết đến là mẹ con em cảm thấy tủi thân, nhất là đêm giao thừa. Nhìn nhà bên cạnh đầy đủ vợ chồng, thấy mình cô đơn quá. Mỗi lần em thắp hương cúng ba nó, nó cứ nhìn lén rồi bảo sao mẹ lại khóc, rồi mẹ con lại ôm nhau. Vẫn biết chẳng kéo lại được ngày vui, nhưng cũng không vơi được ngày một ngày hai anh ạ”, chị Dung chia sẻ.

Ngày chồng chị-anh Phan Văn Hạnh hi sinh, con gái 6 tuổi chưa đủ lớn để hiểu được nỗi mất mát của mẹ. Xuân Đinh Dậu này, bé Phan Thị Thùy Dương tròn 9 tuổi. Chứng kiến bao lần mẹ khóc thầm, bao lần mẹ rơi nước mắt trước mâm cơm, bé Dương cũng khóc theo mẹ. “Khi anh Hạnh hi sinh, em nói cho bé biết, nhưng nó cũng chẳng hiểu gì. Mới tối qua, em đưa cháu vào Căn cứ 696 chúc tết, nó còn chỉ bảo: “Mẹ ơi, chỗ này ba đưa con đi chơi nè, ngày trước tết đến ba cũng chở con vào đơn vị hát karaoke”.

Khi tôi hỏi việc học tập của bé Thùy Dương, chị Dung cho biết, bé Dương năm nay 9 tuổi, học lớp ba tận trường tiểu học Mỹ Thủy, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh. Trước đây, chị Dung làm việc ở quận 2 nên cho bé học luôn trên đó cho quen bạn. Từ ngày chị Dung được tuyển dụng thành công nhân viên quốc phòng theo chế độ vợ liệt sĩ làm việc ở trường mẫu giáo Căn cứ 696 (Vùng 2 Hải quân), chị phải nhờ người đưa con đi học mỗi buổi sáng. Cứ đến 5 giờ chiều, chị chạy xe máy qua phà Cát Lái đón con về Nhơn Trạch

Chị Dung đem những di vật của chồng để tìm lại kỷ niệm thời vợ chồng hạnh phúc bên nhau, ảnh Mai Thắng
Chị Dung đem những di vật của chồng để tìm lại kỷ niệm thời vợ chồng hạnh phúc bên nhau.

2. Tết Đinh Dậu, mẹ con chị Dung mua được cây mai nhỏ. Thương hoàn cảnh gia đình, hàng xóm người cho cây giò lụa, người cho cặp bánh, người cho chai mắm. “Tết này Căn cứ 696 cũng cho mẹ con em hơn một triệu đồng ăn tết. Tiền lương công nhân viên của em bốn triệu một tháng, tiền chế độ vợ, con liệt sĩ của cả hai mẹ con được 2.600.000 đồng. Tháng 2 mẹ con được hơn 6 triệu đồng. Tiền học cho con gần 2 triệu đồng. Số tiền còn lại tằn tiện lắm vẫn thiếu trước hụt sau”, chị Dung chia sẻ

 Mùa xuân năm 2014, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C, Trường Sa trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên, thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lớn cuồn cuộn từ đại dương. Mặc dù đã cố gắng điều khiển chiếc xuồng, nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm xuồng lật úp. Hạnh bị cạnh xuồng đè dìm xuống biển, không thoát ra được và đã hi sinh. Sau hơn một năm kể từ ngày anh Hạnh hi sinh, chị Nguyễn Thị Dung được nhận vào làm việc bảo mẫu tại nhà mẫu giáo Căn Cứ 696 với quyết định công nhân viên quốc phòng với tiền lương hơn 4 triệu đồng/ tháng

Gia đình nội ngoại đều ở huyện Yên Thành, Nghệ An nên những ngày tết, mẹ con chị Dung cũng chẳng đi đâu. Phần vì chưa nguôi ngoai, phần vì ở nhà hương khói cho chồng. Những lúc nhớ chồng, chị lại lấy va li quần áo, giày, mũ- những di vật của chồng đem về từ đảo Tốc Tan C để tìm về kỷ niệm những ngày tháng bên nhau. “Anh Hạnh hi sinh, tất cả những gì ngày anh đi đảo em mua cho anh giờ còn nguyên vẹn. Mỗi khi nhớ quá, em lại lục ra xem. Thực ra cũng chẳng làm gì, nhưng ít nhất cũng vơi đi nỗi nhớ anh ấy”, chị Dung bộc bạch

 

   Mai Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều