(ĐN)- Tối 6-12, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đã tiến hành công diễn chương trình múa rối nước Dòng chảy cội nguồn. Đến xem và cổ vũ tinh thần cho tập thể nghệ sĩ có: Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các tầng lớp nhân dân tại TP.Biên Hòa.
(ĐN)- Tối 6-12, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đã tiến hành công diễn chương trình múa rối nước Dòng chảy cội nguồn. Đến xem và cổ vũ tinh thần cho tập thể nghệ sĩ có: Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các tầng lớp nhân dân tại TP.Biên Hòa.
Khác với những vở múa rối nước thường thấy, chương trình múa rối nước Dòng chảy cội nguồn do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai dàn dựng đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi trên sâu khấu không chỉ có những con rối do người điều khiển đang thể hiện những hình ảnh: em bé thổi sáo trên lưng trâu ngoài đồng, nam nữ thanh niên tay cấy tay cày, sinh hoạt tín ngưỡng (miền Bắc), cảnh buôn bán trên sông nước, săn cá hô (miền Tây), quá trình chinh phục tự nhiên (Đồng Nai - miền Đông Nam bộ)... trên mặt nước, mà còn có cả các ca sĩ, nghệ sĩ “hát sống” ngay trên sân khấu với những bài hát dân ca Bắc bộ, chèo cổ, cải lương, ca Huế...
Đây chính là điểm mới lạ và sáng tạo của Đồng Nai khi lần đầu tiên thực hiện dàn dựng loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước này. Chương trình do NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam làm đạo diễn. Còn phần kịch bản và chỉ đạo nghệ thuật do NSND Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đảm nhận.
Tuy vui với thành công của chương trình, song NSND Giang Mạnh Hà nêu lên điều trăn trở là làm sao trong thời gian tới sẽ có được một sân khấu, một địa điểm cố định để biểu diễn loại hình nghệ thuật này. “Về vấn đề dàn dựng thêm nhiều vở mới, đây chỉ là chuyện trong tầm tay của đơn vị. Còn điều khó nhất hiện nay là làm sao có được một sân khấu chuyên nghiệp để những vở rối nước có thể sáng đèn hàng đêm phục vụ khán giả, nhất là người trẻ, học sinh, sinh viên. Hiện để công diễn, tập luyện chương trình múa rối nước, chúng tôi phải dựng sân khấu giả chiến ngoài trời, làm bồn nước lắp ghép rồi chỗ ngồi cho khán giả cũng không bố trí được nhiều. Do vậy trong thời gian tới, đơn vị rất mong sẽ nhận được sự quan tâm của tỉnh để có nơi biểu diễn cho rối nước” - NSND Giang Mạnh Hà nói.
Văn Truyên