Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải có những giải pháp phòng, chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ hơn

11:10, 28/10/2016

Phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường chiều 28-10 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 đã diễn ra sôi nổi.

Phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường chiều 28-10 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 đã diễn ra sôi nổi. Nhiều đại biểu cho rằng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vô cùng khó khăn nhưng không sớm đẩy lùi thì thực sự là nguy cơ vì “lòng dân không yên”, làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia, tha hóa cán bộ. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản. “Cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch của tài sản, không thể giải thích cô em, bà chị cho là được” - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh kiến nghị. Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác quản lý cán bộ, ngân sách, đầu tư công, tài sản công... để khắc phục, ngăn chặn tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. “Cử tri và nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành trong việc tập trung phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị đã có, nhân dân đồng tình ủng hộ, bộ máy cán bộ đầy đủ, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn” - đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong phiên làm việc buổi sáng, sau báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về công tác năm 2016 của ngành; Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá: các báo cáo phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, một số nội dung trong báo cáo cần phải hoàn thiện thêm. Về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

* Trước đó, ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội nghe các tờ trình và thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thảo luận tại tổ dự án Luật Quản lý ngoại thương.

H.L (tổng hợp)

Tin xem nhiều