(ĐN)- Ngày 28-10, trao đổi với phóng viên, Trung tá Đoàn Khả Hưng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thống Nhất cho biết, Công an huyện vừa nhận đơn tố cáo và đang phối hợp để tiếp tục điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức gọi điện thoại xảy ra tại ấp Lê Lợi 1, xã Quang Trung.
(ĐN)- Ngày 28-10, trao đổi với phóng viên, Trung tá Đoàn Khả Hưng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thống Nhất cho biết, Công an huyện vừa nhận đơn tố cáo và đang phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Lạng Sơn và các phòng nghiệp vụ của công an cấp trên để tiếp tục điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức gọi điện thoại xảy ra tại ấp Lê Lợi 1, xã Quang Trung.
Theo đơn trình báo của chị T.T.D, 40 tuổi, ngụ ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung, vào khoảng 8h30 phút, ngày 6-10, chị D. nghe điện thoại bàn đổ chuông và khi nhấc máy, thì đầu dây bên kia có một người đàn ông tự xưng là cán bộ công an tỉnh Đồng Nai đang truy bắt điều tra một số đối tượng liên quan một vụ án ma túy rất lớn. Người đàn ông này cho biết, qua điều tra, bọn chúng khai, chị D. là người liên quan và đã chuyển một số tiền rất lớn vào cho gia đình chị với mục đích để rửa tiền và chị có thể bị bắt.
Sau đó, người đàn ông bắt chị D. phải cung cấp thông tin cá nhân để tiếp tục điều tra, đồng thời hù dọa buộc chị phải chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản của chúng cho sẵn. Nghe xong cuộc điện thoại, chị D. lo lắng, sợ sẽ bị bắt, nên liền lên ngân hàng rút 200 triệu đồng là số tiền dành dụm lâu nay để chuyển vào tài khoản của bọn chúng.
Khi trở về nhà kể lại một số người nghe và mọi người cho biết, chị đã bị bọn lừa đảo chiếm đoạt, nên chị đã chạy ngay lên ngân hàng xem xét nhờ phong tỏa số tài khoản. Rất may là do các đối tượng lừa đảo chưa kịp rút, nên chị D. đã rút lại được toàn bộ số tiền trên.
“Không hiểu sao bữa đó tôi lại ngây ngô đến thế, khi nghe nói bị bắt giam, lo lắng quá, nên tôi không hỏi han gì ai, lấy xe chạy ngay lên ngân hàng rút tiền và chuyển ngay vào tài khoản cho bọn chúng mà không một chút nghi ngờ gì” - chị D. nói.
Theo trung tá Đoàn Khả Hưng, hành vi, thủ đoạn của bọn tội phạm này không mới vì đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và báo chí đã từng đưa tin phản ánh để người dân cảnh giác, nhưng không hiểu sao tình trạng lừa đảo kiểu này vẫn hoạt động được. Riêng ở huyện Thống Nhất, thì loại tội phạm này mới bắt đầu hoạt động và đây là trường hợp thứ hai bị mắc bẫy bọn chúng.
Trung tá Hưng cho biết, trước đó, cũng với hành vi, thủ đoạn trên, một người dân ở xã Quang Trung bị lừa lấy mất 500 triệu đồng. Sau khi nhận được đơn tố cáo, công an huyện đã triển khai ngay cho cán bộ, chiến sĩ có bề dày kinh nghiệm để lấy lời khai ban đầu phục vụ điều tra truy bắt, đồng thời cử một số chiến sĩ lên làm việc ngân hàng và bưu điện xác minh số điện thoại gọi đến và tài khoản mà bọn chúng bắt nạn nhân chuyển tiền vào, đồng thời báo cáo lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo phối hợp điều tra, truy bắt.
Tuy nhiên, cũng theo Trung tá Hưng, qua xác minh ban đầu, thì số điện thoại gọi đến đều có xuất phát từ nước ngoài. Riêng số tài khoản, qua xác minh được biết, chủ tài khoản là người ở các tỉnh: Ninh Bình, Lạng Sơn. Thế nhưng, khi công an huyện liên lạc, thì được chủ tài khoản cho biết, thẻ ATM của họ đã bị mất 3 -4 tháng trước đó. Công tác điều tra phá án vì vậy đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Để không mắc bẫy của bọn lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền cho bọn chúng khi chưa có kết luận cụ thể, còn hồ nghi về thông tin. Còn khi cơ quan công an muốn bắt ai, thì họ phải có lệnh bắt và không bao giờ có tính hù dọa, hoặc bắt nạn nhân phải chung chi hoặc chuyển tiền. Sắp tới, khi phát hiện lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng biết để xử lý kịp thời” - Trung tá Hưng nói.
Hữu Thắng