Ngày 28-6, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã đối thoại trực tiếp với hơn 300 người dân đại diện cho các hộ ở những vùng bị ngập úng thuộc TP.Biên Hòa để lắng nghe ý kiến của người dân về tình trạng ngập úng...
Ngày 28-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã đối thoại trực tiếp với hơn 300 người dân đại diện cho các hộ ở những vùng bị ngập úng trên địa bàn TP.Biên Hòa, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân về tình trạng ngập úng và nêu rõ hướng xử lý của tỉnh và TP.Biên Hòa...
Theo UBND TP.Biên Hòa, vào mùa mưa, trên địa bàn thành phố có khoảng 25 điểm bị ngập lụt gây ách tắc về giao thông và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân. Hiện tỉnh và TP.Biên Hòa đang gấp rút tìm các giải pháp hạn chế ngập úng bằng cách nạo vét kênh mương, suối và thi công các công trình thoát nước để tăng khả năng thoát nước khi mưa lớn.
* Đô thị hóa quá nhanh
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng ở TP.Biên Hòa là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hạ tầng thoát nước đầu tư không kịp. Trước đây, TP.Biên Hòa chỉ có hơn 200 ngàn dân, nhưng hiện đã tăng lên hơn 1 triệu dân, đông hơn 30 tỉnh, thành khác trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp |
Do dân số đông, xây dựng nhà cửa nhiều, nhanh, nên khi mưa lớn, nước không còn nơi ngấm, hầu hết chảy ra đường, hệ thống thoát nước quá tải, góp phần làm cho tình trạng ngập lụt diễn ra nhiều hơn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm cho khí hậu trở lên khắc nghiệt, mưa lớn thường tập trung trong một thời điểm, khiến lượng nước đổ về các đường, sông suối rất lớn, không thoát kịp.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay: “TP.Biên Hòa có 25 điểm ngập, trong đó có 16 điểm ngập do thành phố quản lý. Năm 2016, thành phố phát sinh thêm 3 điểm ngập. Những điểm thành phố quản lý đang tiến hành khắc phục và đã giảm được tình trạng ngập lụt ở 8 điểm và đang xử lý tiếp 8 điểm ngập khác”.
Bên cạnh hệ thống thoát nước xuống cấp, nhỏ, tình trạng ngập úng ở Biên Hoà thời gian qua còn do người dân ở nhiều khu vực ý thức còn kém, thường vứt rác bừa bãi; khi mưa lớn rác dồn ra các kênh rạch, suối, làm cản trở dòng chảy, nước không thoát được.
Ông Nguyễn Văn Toàn, người dân phường Trảng Dài bày tỏ: “Tình trạng ngập úng nặng ở Trảng Dài một phần là do một số người dân thiếu ý thức quăng rác bừa bãi ngay trên cầu Đồng Khởi, khi mưa lớn, rác rơi xuống cống lấp kín các dòng chảy, nước thoát chậm, dâng cao, khiến khu vực này ngập sâu trong thời gian dài”.
Ông Phan Quang Vinh, khu phố 1, phường Long Bình Tân phát biểu ý kiến. |
Cũng theo ông Toàn, hàng ngày, cứ khoảng 17-19 giờ, một số hộ dân mang rác ra cầu Đồng Khởi vứt xuống. Vì vậy, phường, thành phố nên xử phạt thật nặng những trường hợp vứt rác bừa bãi để đảm bảo vệ sinh và tăng khả năng thoát nước, giảm ngập.
* Dân hiến kế chống ngập
Hơn 30 ý kiến của người dân tại các nơi bị ngập lụt đã hiến kế cho tỉnh, TP.Biên Hòa những giải pháp có thể chống ngập, trong đó có nêu ra các giải pháp tạm thời và giải pháp căn cơ lâu dài.
Ông Vũ Đức Hạnh, khu phố 1, phường Trảng Dài nói: “Khu vực ấp 1 mỗi khi mưa lớn thường ngập sâu, nguyên nhân là do suối chính bị cản bởi rác, đất cát bồi lắng. Để giảm tình trạng ngập úng cho khu vực này, tỉnh, thành phố nên cho nạo vét, khơi thông và mở rộng dòng chảy khi mưa lớn nước sẽ thoát nhanh, bớt gây ngập”.
Trong khi đó, nhiều người dân ở phường Long Bình Tân tỏ ra khá bức xúc, vì từ khi Quốc lộ 51 xây dựng cao, thoát nước kém, làm cho tình trạng ngập lụt dọc khu vực gần quốc lộ cao hơn 50-60cm và kéo dài đến 2-3 ngày (trước đây chỉ gần 1 ngày là rút hết).
Ông Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh ở khu phố 1, phường Long Bình Tân cho hay: “Trường có 1.500 học sinh. Mùa mưa 2015 bị ngập nước 12 lần và từ đầu mùa mưa 2016 đến nay ngập 2 lần. Tình trạng ngập lụt nặng xảy ra từ khi quốc lộ 51 làm cầu suối Quan để lại nguyên chân cầu cũ và đường cáp quang, gây cản trở dòng chảy. Để giảm ngập úng phải khơi thông cầu Quan bằng cách phá mố cầu cũ thu hết bê tông, mở rộng khả năng thoát nước”.
Ông Huỳnh Văn Hiệp, phường Tân Hiệp phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại |
Theo ông Đào Ngọc Khanh, ấp Miễu, xã Phước Tân, có 3 nguyên nhân khiến ấp Miễu, Vườn Dừa ngập từ 1-1,5 m khi mưa lớn là do cầu suối Quan, dự án Sơn Tiên đã lấp mất nhiều kênh rạch thoát nước, chỉ còn suối chính rất nhỏ và sông Buông bị bồi lắng. Muốn giảm ngập, cần nạo vét sông Buông, cầu suối Quan và yêu cầu chủ dự án Sơn Tiên phải mở rộng suối chính thoát nước qua dự án và làm thêm một số kênh rạch thoát nước.
“Tỉnh, TP.Biên Hòa nên ưu tiên hàng đầu cho các dự án thoát nước và thi công nhanh để giảm ngập. Giải pháp tạm thời là nạo vét, khơi thông các dòng chảy ở các suối, kênh rạch trong thành phố và dẹp hết tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm suối, kênh rạch; mở rộng các miệng cống thu nước trên đường để nước mưa thoát nhanh. Về lâu dài, tỉnh, thành phố nên làm hệ thống thoát nước đồng bộ trong thành phố để thoát ra sông Đồng Nai” - ông Nguyễn Văn Thành khu phố 5, phường Bửu Long hiến kế.
* Nhiều giải pháp chống ngập
Theo UBND TP.Biên Hòa, trong 16 điểm ngập do thành phố quản lý thì 8 điểm ngập nặng là cuối đường Nguyễn Văn Tỏ (phường Long Bình Tân); hẻm Ngọc Hà (khu phố 1, phường Quyết Thắng); khu vực cầu ông Tửu, đường Phạm Văn Thuận; khu rạch ông Gia (phường An Bình); khu cầu xóm Mai gần suối Săn Máu; cầu Hang, xã Hóa An...đã được xử lý nên tình trạng ngập úng khi mưa lớn đã giảm bớt. Hiện TP.Biên Hòa đang xử lý 8 điểm còn lại.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng khẳng định: “Trước khi đối thoại trực tiếp, TP.Biên Hòa đã tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, mở rộng nhiều miệng cống trên các tuyến đường và cho giải tỏa các hộ lấn chiếm lòng suối. Năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là làm các dự án thoát nước nên sẽ dồn nhân lực, vốn để thực hiện.
Thi công dự án thoát nước trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua xã Hóa An để hạn chế ngập úng |
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, ngập úng tại TP.Biên Hòa có nguyên nhân khách quan là do 3-4 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu làm cho mưa lớn tập trung nhiều; hệ thống thoát nước ở TP.Biên Hòa nhỏ, chưa có nguồn vốn lớn đầu tư dự án thoát nước lớn đồng bộ.
Tuy nhiên, cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, bên cạnh đó còn có những nguyên nhân chủ quan, do nhiều người dân ở Biên Hòa vứt rác bừa bãi xuống suối, cầu, khiến mưa lớn, rác cản dòng chảy, nước không thoát được, thậm chí người dân ven các đường lớn còn quét rác, đất xuống các miệng cống thoát nước, gây bồi lắng, khi mưa lớn nước thoát chậm.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TP.Biên Hòa thời gian tới, cần khảo sát lại xem nguyên nhân ngập lụt chính khi mưa lớn là do đâu, để từ đó có điều chỉnh các dự án chống ngập cho hiệu quả. Các phường, xã, khu phố, ấp cần thường xuyên vận động người dân tham gia thu gom, không vứt rác bừa bãi, nếu phát hiện tình trạng vứt rác bừa bãi, thì xử phạt hành chính. Đồng thời, dẹp ngay tình trạng lấn chiếm sông, suối, kênh rạch, gây cản trở dòng chảy.
Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục duy trì thường xuyên phong trào ngày thứ 7 xanh sạch đẹp. Trong tháng 7-2016, chọn một ngày thứ Bảy ra quân toàn thành phố để thu gom rác, nạo vét cống rãnh thoát nước ở các tuyến đường để giảm tình trạng ngập úng trong mùa mưa. Về phía tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách để triển khai các dự án thoát nước chống ngập cho Biên Hòa.
Hương Giang