Báo Đồng Nai điện tử
En

Chữa trị sớm bệnh sỏi đường mật

05:06, 28/06/2016

(ĐN)- Bác sĩ Tống Tiến Thành, Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay các bệnh lý về sỏi đường mật khá phổ biến.

(ĐN)- Bác sĩ Tống Tiến Thành, Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay các bệnh lý về sỏi đường mật khá phổ biến. Nguyên nhân phần lớn là do chất béo hoặc giun chui ống mật. Bệnh sỏi đường mật sẽ dễ gây tắc mật, nhiễm trùng đường mật, nếu bị tái đi tái lại gây biến chứng xuất huyết, nhiễm trùng, hoại tử, nặng hơn nữa có thể gây ung thư.

Các bác sĩ Khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang thực hiện nội soi tán sỏi đường mật cho một bệnh nhân.  Ảnh: N.Thư.
Các bác sĩ Khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang thực hiện nội soi tán sỏi đường mật cho một bệnh nhân. Ảnh: N.Thư.

Cách phát hiện bệnh rất đơn giản là qua kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể phát hiện sỏi đường mật, hay sỏi mật qua siêu âm. Qua đó, bác sĩ có thể khuyến cáo bệnh nhân cách xử trí phù hợp. Việc phát hiện sớm bệnh sỏi đường mật khi kích cỡ sỏi trong đường mật còn nhỏ sẽ giúp việc điều trị nhanh chóng, dễ dàng hơn bằng việc uống thuốc tan sỏi hoặc lấy sỏi, tán sỏi qua nội soi; trong trường hợp sỏi quá to hoặc sỏi nằm ở vị trí gây tắc dịch mật thì phải phẫu thuật để lấy sỏi.

Được biết, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã triển khai kỹ thuật nội soi đường mật bằng kỹ thuật mới là nội soi mật tụy ngược dòng tán sỏi. Đến nay, cả 2 bệnh viện đã thực hiện nội soi hàng chục ca bệnh sỏi đường mật và đều đạt kết quả tốt. Trong đó, có một số trường hợp bị nhiễm trùng đường mật nặng, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết; nhiều trường hợp có sỏi khá lớn từ 20 - 25mm trong đường mật.

Bác sĩ Tống Tiến Thành cho biết hiện nay, việc triển khai kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật tại các bệnh viện tuyến tỉnh giúp bệnh nhân tránh được mổ hở, vì mổ đường mật là ca mổ khó, dễ nhiễm trùng. Phương pháp nội soi đường mật là đưa ống soi qua dạ dày, tá tràng đến đường mật để lấy sỏi hoặc tán sỏi đối với sỏi có kích thước lớn nhằm mở thông đường mật tụy; bệnh nhân ít đau đớn, ít biến chứng và mau hồi phục sức khỏe.

Cách phòng ngừa bệnh sỏi đường mật: cần hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol, như: phủ tạng động vật, trứng, dầu, mỡ...; ăn chín uống sôi; tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn để tránh nhiễm ký sinh trùng đường mật.    

   Ngọc Thư

 

 

Tin xem nhiều