Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền xử phạt trên 68 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền xử phạt trên 68 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, để phù hợp với các cam kết trong TTP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Thông tin trên được ông Trần Việt Thanh đưa ra tại Lễ phát động “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức với sự hỗ trợ của Liên minh Phần mềm BSA vào sáng 31/3 tại Hà Nội.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tịch thu, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, dầy dép, quần áo thời trang, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu hủy hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu.
Riêng trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính, năm 2015, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra đột xuất 89 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính. Đoàn đã kiểm tra 3.942 máy tính, xử phạt hành chính 2,52 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho hay, tuy đã đạt được một số kết quả, song việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện còn gặp nhiều thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp.
Về phía mình, ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA cho hay, một trong những mục tiêu lớn của BSA trong tháng này là nâng cao nhận thức về rủi ro an ninh mạng đi kèm sử dụng các phần mềm không có bản quyền.
Theo ông, thời gian qua, BSA đã có hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam khởi xướng nhiều chương trình tuyên truyền để hỗ trợ các công ty giải quyết về phần mềm có giấy phép và quản lý phần mềm hiệu quả và đem lại những hiệu quả tốt cho doanh nghiệp.
“Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới từ 31/3-30/4 sẽ tập trung vào phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được triển khai và là hoạt động thường xuyên của lực lượng thực thi,” ông Thanh chốt lại.