Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi tố vụ sà lan húc sập cầu Ghềnh

07:03, 20/03/2016

(ĐN)- Chiều tối ngày 20-3, Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ sà lan húc sập cầu Ghềnh.

[links()](ĐN)- Chiều tối ngày 20-3, Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ sà lan húc sập cầu Ghềnh.

Cầu Ghềnh bi sà lan húc sập 2 nhịp cầu 2 và 3
Cầu Ghềnh bị sà lan húc sập 2 nhịp cầu 2 và 3

Theo đại tá Danh, sau khi đã thống nhất giữa các cơ quan liên quan, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212 Bộ luật Hình sự.

Cũng theo đại tá Danh, sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục điều tra C45 Bộ Công an để điều tra sự việc. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định có hay không người bị chìm sau vụ việc này. Riêng hai người điều khiển đầu máy đẩy sà lan đã bỏ đi khỏi hiện trường nhưng cơ quan công an cũng đã xác minh được danh tính.

Thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, qua điều tra ban đầu xác định, hai người điều khiển đầu máy là hai chú cháu và hai người này đã nhảy khỏi sà lan lúc sự cố xảy ra, sau đó bắt xe về miền Tây.

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định có hay không người bị chìm sau vụ việc này
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định có hay không người bị chìm sau vụ sập cầu Ghềnh. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm

Cũng theo Thượng tá Nam, qua công tác điều tra, lực lượng công an đã làm việc với một số nhân chứng và xác định, ngoài những người ở gần điểm cầu gãy đã thoát nạn, phía trước đó không có người nào. Sau sự việc này, lực lượng công an cũng đã rà soát các phường, xã lân cận để xác minh xem có ai mất tích nhưng hiện vẫn chưa có ai đến trình báo.

Làm việc với các ban ngành, Thượng tá Nam cho biết, hiện công tác khám nghiệm đã và đang được cơ quan công an tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, trong những ngày tới, cơ quan công an sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng trục vớt cầu, sà lan để giám định phần đã bị chìm xuống sông, sau đó mới có kết luận đầy đủ về vụ việc.

Điều 212 Bộ Luật hình sự quy định, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ, gây thiệt hại cho tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép, bằng, hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao; Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trần Danh

Tin xem nhiều