(ĐN) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban công tác cải cách thủ tục hành chính quý I năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 22-3.
(ĐN) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban công tác cải cách thủ tục hành chính quý I năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 22-3.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu tại hội nghị giao ban cải cách hành chính. |
Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính về các địa phương, nhất là các thủ tục liên quan đến: đất đai, xây dựng, bồi thường, tái định cư, tài chính, ngân sách, y tế..., nhằm giảm áp lực công việc cho sở, ngành của tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khi làm thủ tục hành chính không phải đi lại nhiều, không phải chờ đợi lâu.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng báo cáo về biện pháp thực hiện cải cách hành chính trong thời gian tới. |
Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra cải cách công vụ; Thanh tra nhà nước phải thanh tra trách nhiệm lãnh đạo của các sở, ngành, địa phương còn để hồ sơ tồn đọng nhiều. Trong đó, cần chú ý triển khai các kết luận thanh tra, phúc tra nếu có, nhất là trách nhiệm liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân còn khó khăn, chậm trễ.
Đồng chí nhấn mạnh, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính; mạnh dạn thay thế cán bộ, công chức cố tình chây ỳ, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với các trường hợp cán bộ, công chức lơ là trách nhiệm, sử dụng thời gian và máy tính công cho mục đích cá nhân trong giờ làm việc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Tạ Quang Trường trình bày biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới. |
Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, trong quý I năm 2016, các sở, ban, ngành của tỉnh đã thụ lý trên 12 ngàn hồ sơ, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn gần 83%; UBND các huyện thụ lý trên 111 ngàn hồ sơ, trong đó, tỷ lệ giải quyết đúng hạn gần 87%.
Theo một số địa phương, nguyên nhân hồ sơ trễ hạn chủ yếu liên quan đến đất đai do sự phối hợp giữa địa phương và Sở Tài nguyên - môi trường chưa tốt. Vì theo quy định của Luật đất đai năm 2015, thẩm quyền cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, không còn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Trong khi, nhu cầu cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Ngọc Thư