(ĐN)- Như tin đã đưa, ngay sau khi xảy ra sự cố sà lan húc sập 2 nhịp cầu Ghềnh (nhịp số 2 và 3), các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã kịp thời có mặt để trực tiếp chỉ đạo xử lý tại hiện trường.
[links()](ĐN)- Như tin đã đưa, ngay sau khi xảy ra sự cố sà lan húc sập 2 nhịp cầu Ghềnh (nhịp số 2 và 3), các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã kịp thời có mặt để trực tiếp chỉ đạo xử lý tại hiện trường.
Cầu ghềnh sau khi bị sà lan húc sập |
Đặc biệt, sau khi chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn ngay tại hiện trường, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lực lượng cứu hộ phải tìm các giải pháp để xử lý ngay sự cố này. Ngoài việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với người, các lực lượng chức năng cũng phải sớm tìm giải pháp để trục vớt sà lan và khắc phục hệ thống giao thông đường sắt qua khu vực này.
Bởi, theo đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, việc cầu Ghềnh bị tê liệt không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông trên toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam, mà hệ thống giao thông đường thủy qua đoạn sông này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Một cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, để kịp thời xử lý sự cố, Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn của tỉnh cũng đã đề nghị TP.Hồ Chí Minh chi viện một đội thợ lặn chuyên nghiệp đến hỗ trợ việc trục vớt và tìm kiếm người ở quanh khu vực xảy ra tai nạn.
Đội thợ lặn đang tìm kiếm tàu chìm tại hiện trường (ảnh: K.Giới) |
Cũng theo vị cán bộ này, hiện vẫn chưa thể khẳng định có hay không có người bị chìm dưới sông. Vì vậy, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. Đến 15 giờ cùng ngày, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành trục vớt được 3 chiếc xe máy gồm: 06B1-22.703, 60B1-467.97 và 60FR-6147 của nạn nhân rơi xuống sông và hai chiếc ti vi (được xác định là của một người dân đang chở đi qua khu vực này).
Theo xác minh ban đầu của Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn tỉnh, sau sự cố nói trên, cầu Ghềnh đã bị sập hẳn 1 nhịp và 1 nhịp khác cũng bị gãy đổ xuống sông. Nguyên nhân được xác định là do chiếc sà lan (được một đầu máy mang số hiệu SG-3705 đẩy phía sau) có 2 người điều khiển chở cát đi hướng từ cầu Đồng Nai xuống cầu Hóa An húc vào. Tuy nhiên, sau khi sự cố xảy ra 2 người này đã bỏ trốn.
Đến 16 giờ cùng ngày, cơ quan điều tra xác định chiếc tàu đẩy mang số hiệu SG-3745 đã đẩy chiếc xà lan SG-5984 đi hướng từ cầu Đồng Nai đến cầu Hóa An. Tuy nhiên, trong quá trình điều khiển qua cầu Ghềnh, các tài công không kịp quan sát nên đã để sà lan đâm trực diện vào chân cầu gây ra sự cố nghiêm trọng này.
Đông đảo người dân đến xem tại hiện trường |
Lực lượng chức năng cũng xác định, chủ tàu đẩy sà lan là ông Phạm Thế Thượng (ngụ TP.Hồ Chí Minh), chủ chiếc sà lan trực tiếp húc đổ cầu Ghềnh là bà Nguyễn Thu Hồng (ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh); 2 tài công trực tiếp điều khiển tàu đẩy sà lan là Trần Văn Giang (36 tuổi) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, cùng quê tỉnh Bạc Liêu) sau khi gây ra sự cố đã nhảy xuống sông và bơi vào bờ bỏ trốn.
Được biết, ngoài lực lượng cứu hộ, cảnh sát giao thông, công an địa phương, cùng với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố của xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa, hiện lực lượng Cảnh sát 113 - Công an tỉnh cũng đã có mặt phong tỏa toàn bộ hiện trường để tránh những tai nạn liên quan có thể xảy ra.
Danh Trường