Báo Đồng Nai điện tử
En

Vừa gói bánh chưng vừa giáo dục truyền thống gia đình

05:02, 06/02/2016

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 27, 28 Tết, con cháu của gia đình cụ Phan Nựu (96 tuổi) ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) lại tề tựu đông đủ để tự tay làm những chiếc bánh chưng trong những ngày Tết đến xuân về...

Mặc dù con cháu sinh sống chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 27, 28 Tết, con cháu của gia đình cụ ông Phan Nựu (96 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) lại tề tựu gần như đông đủ để tự tay làm những chiếc bánh chưng trong những ngày Tết đến xuân về.

Chuẩn bị lá chuối gói bánh chưng
Chuẩn bị lá gói bánh chưng

Ông Phan Diệu (con trai lớn của ông Phan Nựu) năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết, ngày nay không quá khó để mua được những cặp bánh chưng. Nhưng đối với gia đình ông Phan Diệu, việc duy trì hoạt động truyền thống gói bánh chưng vừa tạo điều kiện để các thế hệ con cháu trong gia đình tự tay làm những chiếc bánh dâng lên thế hệ cha ông đi trước, vừa là dịp để 4 thế hệ trong gia đình cùng quây quần bên nhau sau một năm làm việc, học tập vất vả. Ông Phan Diệu chia sẻ thêm, ngoài những người “biết nghề” đảm nhận gói chính, các cháu nhỏ có thể “tập tành” làm theo.

4 thế hệ trong gia đình cụ ông Phan Nựu (bìa trái) cùng quây quần gói bánh chưng trong những ngày Tết đến xuân về.
4 thế hệ trong gia đình cụ ông Phan Nựu (bìa trái) cùng quây quần gói bánh chưng trong những ngày Tết đến xuân về.

Em Phan Thị Tường Vân, sinh viên năm thứ nhất, Trường đại học Lạc Hồng (cháu nội của ông Phan Diệu) cho biết, năm nay em mới có thời gian tham gia làm bánh chưng cùng với gia đình. Công việc gói bánh chưng không quá khó, chỉ cần người lớn hướng dẫn vài lần là em có thể tự làm được. Thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần gói bánh là vui nhất, đủ chuyện buồn vui trong năm được đem ra kể. Và, câu chuyện càng trở nên lắng đọng khi các thế hệ cháu chắt như chúng em được nghe ông cố năm nay 96 tuổi (ông nội của cha) kể về truyền thống cách mạng của gia đình. Càng tự hào về truyền thống của gia đình bao nhiêu, em càng thấy trách nhiệm của mình phải cố gắng hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.

Ông Phan Diệu cho rằng, không dừng lại ở những câu chuyện truyền thống mang tính giáo dục, mà bằng việc tạo điều kiện để các thế hệ con cháu gặp nhau còn là cơ hội để chúng biết quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Đặc biệt, đối với lớp cháu chắt đang còn ngồi trên ghế nhà trường, sau khi gặp mặt, biết được kết quả học tập của nhau sẽ giúp chúng có động lực phấn đấu trong học tập để không thua kém anh chị em trong gia đình.

Bài và ảnh: Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều
Lộ trình ôn thi ielts The IELTS Workshop