Đổi mới căn bản và toàn diện công tác GD-ĐT để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới để Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập, nâng cao uy tín cũng như vị thế trên trường quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng. |
Đổi mới căn bản và toàn diện công tác GD-ĐT để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đã được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới để Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập, nâng cao uy tín cũng như vị thế trên trường quốc tế.
Nhân dịp đầu Xuân mới Bính Thân, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi về công tác đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực ngoại giao thời kỳ hội nhập.
* Phóng viên: PGS.TS. có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Học viện Ngoại giao trong công tác đào tạo và nghiên cứu năm 2015 vừa qua?
- PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng: Chức năng cơ bản của Học viện Ngoại giao là tổ chức nghiên cứu, giảng dạy và bồi dưỡng về lĩnh vực quan hệ quốc tế cho Bộ Ngoại giao nói riêng cũng như ngành đối ngoại nói chung. Theo đó, năm 2015 Học viện đã đạt được một số thành tựu nổi bật sau:
Trên lĩnh vực đào tạo, Học viện tiếp tục giữ được uy tín và chất lượng trong giảng dạy về quan hệ quốc tế ở cả ba bậc cử nhân, cao học và tiến sỹ. Năm 2015, Học viện đã điều chỉnh chương trình đào tạo tổng thể bậc cử nhân, đưa thêm các môn học mang tính ứng dụng cao, áp dụng phương pháp dạy và học tiên tiến, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm, tổ chức hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, chủ động đưa một số môn học từ chương trình liên kết với Đại học Victoria (New Zealand) vào chương trình đại học chính quy và giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh… Về đội ngũ giảng viên, năm 2015 Học viện được bổ sung thêm 1 giáo sư đầu tiên của Bộ Ngoại giao và 3 phó giáo sư khác. Ngoài ra, từ năm 2014, Học viện đã đủ điều kiện để lập Hội đồng Chức danh cấp cơ sở.
Trên lĩnh vực bồi dưỡng, Học viện đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình bồi dưỡng cho cán bộ công chức của Bộ Ngoại giao để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đối ngoại trong triển khai đường lối hội nhập quốc tế toàn diện của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Học viện đã tiếp tục thực hiện thành công các khóa đào tạo bồi dưỡng công chức cho các sở ngoại vụ, sở, ban, ngành, địa phương, kết thúc tốt đẹp chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ các sở ngoại vụ địa phương 5 năm 2010-2015. Đặc biệt, từ năm 2015, Học viện được phân công chủ trì xây dựng thành công và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, Học viện cũng đã xây dựng và thực hiện thành công các khóa bồi dưỡng về hội nhập quốc tế, công tác phiên dịch cho cán bộ của Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, bộ, ngành của Lào.
Trên lĩnh vực nghiên cứu, năm 2015 vừa qua, Học viện Ngoại giao đã tổ chức việc triển khai thành công đề tài cấp nhà nước về “Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”; 15 đề tài cấp bộ và 14 đề tài cấp cơ sở; hơn 50 chuyên đề khoa học độc lập, chuyên đề trọng điểm, chuyên đề đặc biệt… Những kết quả nghiên cứu này đã góp phần tích cực vào quá trình Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới 1986-2016 do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, đồng thời phục vụ tốt công tác tham mưu, kiến nghị chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại. Học viện đã phát triển mạng lưới quan hệ quốc tế về học thuật. Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Học viện chủ trì đã trở thành sự kiện hàng năm được giới học thuật quốc tế và khu vực quan tâm. Học viện Ngoại giao được đánh giá là một trong số 30 cơ quan nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là khi các hiệp định thương mại thế hệ mới (TPP, EVFTA) có hiệu lực, nhu cầu của đất nước đối với đội ngũ luật sư và chuyên gia giỏi về luật quốc tế và ngoại ngữ càng tăng… Ông có thể chia sẻ về những kế hoạch, chương trình đào tạo của Học viện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?
* Khóa thứ 4 tuyển sinh hệ đào tạo chất lượng cao và khóa thứ 8 tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo cử nhân quan hệ quốc tế với Đại học Victoria (New Zealand) là những kết quả cụ thể, tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện, tiến tới tiếp cận chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế.
Học viện đã áp dụng chuẩn đầu ra quốc tế về ngoại ngữ với sinh viên tốt nghiệp, khẳng định ưu thế về ngoại ngữ của sinh viên Học viện Ngoại giao. Thời gian qua, Học viện đã chủ động xây dựng và tiến hành giảng dạy thành công các chương trình đào tạo đại học chất lượng cao, chương trình thạc sĩ và tiến sĩ quan hệ quốc tế, Luật Quốc tế và Kinh tế, góp phần không nhỏ vào việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Các khoa Chính trị quốc tế, Kinh tế quốc tế và Ngoại ngữ của Học viện đã căn cứ vào những yêu cầu và đòi hỏi của hội nhập quốc tế để xây dựng chương trình theo hướng tạo các điều kiện tốt nhất cho sinh viên, giúp các em có thể phát huy kiến thức và kỹ năng của mình sau khi tốt nghiệp. Theo đó, trong năm 2016, việc xây dựng sự cân đối giữa khối lượng kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu, kiến thức đa ngành với kỹ năng cụ thể về quan hệ quốc tế và sử dụng thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành sẽ là điểm nhấn của việc nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo của Học viện.
Đáng chú ý, Khoa Luật quốc tế của Học viện trong 3 năm qua luôn đi đầu trong việc giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Khoảng 80% các môn chuyên ngành trong chương trình chất lượng cao của khoa được giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh bởi đội ngũ các giảng viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở các nước, như: Anh, Mỹ, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Singapore… Bên cạnh đó, các luật sư nổi tiếng tại các công ty luật nước ngoài ở Việt Nam, các nhà ngoại giao, các giáo sư và chuyên gia luật quốc tế của các nước công tác tại Việt Nam cũng được mời đến thỉnh giảng cho sinh viên chất lượng cao của khoa.
Cùng với đó, các thế hệ sinh viên Khoa Luật quốc tế luôn duy trì được truyền thống tham gia thi diễn án luật quốc tế bằng tiếng Anh tại nhiều nước trên thế giới trong các lĩnh vực, như: Công pháp quốc tế, luật nhân quyền quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, luật môi trường quốc tế, luật thương mại quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế và luật đầu tư quốc tế… Đây là hoạt động rất bổ ích, giúp cho nhóm các sinh viên xuất sắc của khoa tích lũy được những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý báu trong tranh tụng quốc tế, từ đó có điều kiện thuận lợi trong việc theo học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ về luật và luật quốc tế ở các nước; thực tập tại các tòa án quốc tế và các tổ chức quốc tế.
Thời gian qua, Học viện Ngoại giao cũng phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học các nước như Chương trình UNDP, Đại sứ quán Singapore, Liên minh châu Âu… tổ chức các khóa học cho công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác về các lĩnh vực của luật quốc tế, trong đó bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển 1982 và tranh tụng quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt “Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Đề án bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế”, hai văn bản do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo. Đề án xác định mục tiêu, trong 5 năm (2016-2020) sẽ bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho phần lớn đội ngũ công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế ở các bộ, ngành và địa phương ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm nhấn mới trong chương trình công tác của Học viện phục vụ chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Về một số chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao hiện đã xây dựng xong về cơ bản Chương trình nghiên cứu khoa học cho năm 2016, trong đó tập trung vào các vấn đề lý luận hoặc tổng kết các vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế, ngoại giao đa phương trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế cùng những vấn đề đặt ra cho các địa phương trong hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2020, nghiên cứu về lịch sử ngoại giao...
Tất cả các nghiên cứu trên đều có chung một nhiệm vụ là đánh giá thật rõ các thách thức cũng như cơ hội đối với môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2016 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về đối ngoại; năm bản lề chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2017...
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xuân Vịnh (thực hiện)