Khác với không khí sôi nổi, nhộn nhịp ngoài đường, phía trong các phòng cấp cứu, khu điều trị nội trú của các bệnh viện, các bác sĩ, nhân viên y tế gần như không có không khí rộn rã của mùa xuân...
[links()]Khác với không khí sôi nổi, nhộn nhịp cờ, hoa ở ngoài đường, phía trong các phòng cấp cứu, khu điều trị nội trú của các bệnh viện, các bác sĩ, nhân viên y tế gần như không có không khí rộn rã của mùa xuân. Tất cả đều tất bật hơn với số ca cấp cứu nhập viện trong ngày tết không ngừng tăng cao vào những giờ phút cuối của năm 2015.
Bác sĩ Trần Quốc Toản, Khoa ngoại lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. (Ảnh: Ngọc Thư) |
Tết này, bác sĩ Trần Quốc Toản, Khoa ngoại lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã xung phong trực tại Khoa cấp cứu vào ngày 29 tháng chạp đến sáng mùng Một Tết Nguyên đán. "Do tôi chưa lập gia đình, ăn tết lại xa nhà (quê ở Huế) nên thấm thía được nỗi buồn khi không được sum vầy cùng gia đình trong thời khắc giao thừa. Vì vậy, tôi nhận trực ngày này để các bác sĩ khác có thời gian sum vầy cùng gia đình trong năm mới", bác sĩ Toản đã chia sẻ.
*Ăn tết trong bệnh viện
Đây là năm đầu tiên bác sĩ Toản trực vào đêm giao thừa, vì bác sĩ mới ra trường và đi làm mới được 8 tháng. Bác sĩ Toản tâm sự, trực cấp cứu ngày thường vốn đã có nhiều áp lực, trực cấp cứu vào ngày nghỉ Tết thì áp lực càng tăng cao do bệnh đông, nhiều bệnh nặng. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống và trang thiết bị tại khoa cấp cứu của bệnh viện được bố trí liên hoàn và khá hiện đại, cùng với sự phối hợp nhanh và nhịp nhàng trong cấp cứu bệnh nhân nên bệnh viện đã kịp thời cứu được nhiều ca bệnh nặng qua cơn nguy kịch. Mỗi khi, nhìn thấy bệnh nhân của mình tỉnh lại sau cơn nguy kịch, bác sĩ Toản lại thấy hạnh phúc. Mong muốn của vị bác sĩ trẻ này là sau ca trực vào sáng mùng một Tết sẽ lấy xe chạy vòng quanh phố phường để hít hà không khí của mùa xuân.
Với 21 năm công tác trong ngành y, thì có đến 10 năm, bác sĩ Nguyễn Anh Vương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất phải đón giao thừa trong bệnh viện. Vừa trực lãnh đạo khoa, bác sĩ Vương vừa trực tiếp cấp cứu và khám bệnh cho các bệnh nhân. Bác sĩ Vương cho hay, trong khoa có nhiều bác sĩ xa quê, trong khi mình có nhà ở gần bệnh viện nên nhận trực vào ngày cuối cùng của năm cũ 2015. Theo bác sĩ Vương, đó là nhiệm vụ hết sức bình thường và chỉ mong muốn người dân ăn Tết vui tươi, an toàn.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Minh Thành, Phó trưởng Khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đi làm được 13 năm, thì có đến 10 năm đón giao thừa trong bệnh viện. Chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai trước thời khắc giao thừa, bác sĩ Thành vui vẻ cho biết, mình có duyên với trực vào đêm giao thừa, riết thành quen. May mắn là vợ của bác sĩ Thành cũng là điều dưỡng làm cùng bệnh viện nên cả 2 đón năm mới ở trong bệnh viện không cảm thấy buồn. Theo bác sĩ Thành, Tết năm nay, công việc trực tết nhẹ nhàng hơn, vì đây là cái Tết đầu tiên các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp có thể tự thực hiện các ca cấp cứu tim mạch can thiệp, để kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
Đêm giao thừa, các điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn tất bật làm việc (Ảnh: Ngọc Thư) |
Cũng có thâm niên 18 năm đi làm, 15 năm đón Tết trong bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai nói vui rằng, trực vào thời khắc giao thừa cũng có thú vị của nó, nếu cố gắng làm tốt công việc vào đêm giao thừa thì nguyên năm sau sẽ may mắn, suôn sẻ. Tuy không phải là khoa cấp cứu nhưng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhi nặng. Trong đêm giao thừa này vẫn còn hơn 10 bệnh nhi nặng thở máy ở lại. Sức khỏe của các bé vẫn còn yếu, cần có sự chăm sóc từng li từng tý của các bác sĩ, điều dưỡng để giành giật sự sống từ cơn bạo bệnh. Vì vậy, đêm giao thừa này, các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên trong khoa cũng lặng lẽ đón giao thừa trong bệnh viện, tuy thiếu mâm cao cỗ đầy nhưng dư tinh thần trách nhiệm và sự tận tình vì bệnh nhân.
* Chuẩn bị tốt công tác cấp cứu trong ngày tết
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong đêm giao thừa này, toàn bệnh viện có gần 300 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trực. Năm nay là năm đầu tiên bệnh viện đón Tết ở cơ sở mới, khang trang, hiện đại nên cán bộ, nhân viên của bệnh viện rất phấn khởi. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và nhân lực để cấp cứu trong những ngày Tết. Để động viên cán bộ, nhân viên trực vào đêm giao thừa, bệnh viện có tổ chức một buổi tiệc buffet để mọi người có thể cùng đón năm mới dưới ngôi nhà chung, cùng đồng tâm hiệp lực nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.
Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, vào đêm giao thừa có hơn 100 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế trực. Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, đa số các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đều là nữ, do đó, trong đêm giao thừa này rất nhiều phụ nữ phải tạm gác nghĩa vụ đối với gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ bố trí, sắp sếp nhân lực, phương tiện, thuốc men đầy đủ trong ngày tết, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai còn tổ chức khám, chữa bệnh ngoại trú dịch vụ vào tất cả các ngày nghỉ Tết từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư, máu, hóa chất để đảm bảo công tác cấp cứu trong những ngày Tết. Đặc biệt, nhiều đội cấp cứu lẻ, cấp cứu ngoại viện luôn sẵn sàng phục vụ tại các lễ hội do tỉnh tổ chức. Bệnh viện cũng tổ chức khám ngoại trú tại khu vực dịch vụ vào ngày 10-2 (nhằm ngày mùng 3 Tết) để thuận tiện cho nhu cầu khám bệnh của nhân dân.
Ngọc Thư