(ĐN)- Sáng 23-11, Hội thảo quốc tế về biển Đông lần VII do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông tổ chức đã khai mạc tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với chủ đề "Biển Đông - hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực", nhằm mục tiêu xây dựng mạng lưới về Biển Đông, thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở biển Đông.
(ĐN)- Sáng 23-11, Hội thảo quốc tế về biển Đông lần VII do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông tổ chức đã khai mạc tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với chủ đề “Biển Đông - hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, nhằm mục tiêu xây dựng mạng lưới về Biển Đông, thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở biển Đông. Hơn 200 học giả quốc tế đến từ các nước: Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác đã tham dự.
Mở đầu hội thảo, phát biểu về vấn đề căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc tiếp tục leo thang đem nhiều tàu chiến, tàu vận tải bồi đắp trái phép ở 7 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã đóng chiếm trái phép trước đây, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói: “Năm 2015, Biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng “sóng ngầm” vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông quan trọng hàng đầu trên biển của thế giới; đe dọa tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông hàng nghìn năm qua, đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực. Điều đáng lo ngại là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ Biển Đông trở thành một điểm nóng mới ngày càng lớn”. Ông Quý cũng nhận định, Biển Đông chỉ có thể yên bình khi tất cả các bên vì lợi ích của chính mình, tính đến lợi ích của tất các bên khác; tất cả các bên hành xử theo các khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế được đa số các nước công nhận và tán thành.
Còn GS. Brahma Chellaney (Trung tâm Nghiên cứu chính sách, New Delhi, Ấn Độ) cho rằng những thách thức hàng hải quốc tế đang bị biến đổi bởi những thực tế địa chính trị, sự xuất hiện của những mối đe dọa mới và sự thay đổi trong giao thương tại các thị trường năng lượng. GS. Chellaney chỉ trích: “Gốc rễ của những căng thẳng gần đây thường xuất phát từ sự thay đổi đơn phương thực trạng hàng hải và lãnh thổ”.
Trong khi các học giả quốc tế chỉ trích Trung Quốc tiếp tục có nhiều động thái đe dọa đến Biển Đông về an ninh, hàng hải, thì các học giả của Trung Quốc “vờ” như không biết. TS.Thẩm Đinh Lập, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) nói: “Trung Quốc đang trở thành một cường quốc với sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới tăng gấp nhiều lần. Những người bạn của Trung Quốc cũng đang phạm luật”. Ý ông Thẩm ám chỉ Việt Nam, Philippines cũng có đảo ở Biển Đông. Ông Thẩm lấp liếm: “Trung Quốc xây dựng muộn hơn nhưng chỉ là làm nhanh hơn”.
Mai Thắng