Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

10:11, 02/11/2015

Ngày 2-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Ngày 2-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu ý kiến chiều 2-11.
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu ý kiến chiều 2-11.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Đi sâu phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém của kinh tế nước ta, các đại biểu nêu nhiều giải pháp như: thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng, điều chỉnh kịp thời các chính sách để hội nhập thành công, tiếp tục đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực…

Phục hồi tăng trưởng nhưng thiếu vững chắc

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận xét: “Các chỉ tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết, nhưng sẽ vô nghĩa nếu dựa trên cách tổng hợp số liệu không sát thực tế… Có thể con số tăng trưởng từng năm đều đạt, song xét kết quả chung của nền kinh tế đòi hỏi phải xem lại. Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, muốn vậy trước hết phải thể hiện ở năng lực sản xuất dựa trên nền tảng sản xuất máy móc công nghiệp và tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhận định: Tình hình chung của kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thể hiện ở 9 hạn chế yếu kém như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội. Để đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là năm 2016, năm tiền đề cho cả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Chính phủ quan tâm, giải trình rõ hơn nguyên nhân vì sao việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa định hình rõ nét theo mục tiêu tổng quát của nghị quyết Quốc hội.

Xác định rõ “địa chỉ” trách nhiệm quản lý nhà nước

Phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 2-11, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: “Các thành phần kinh tế được tự do làm giàu nhưng phải biết chia sẻ lợi ích. Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa phải biết điều tiết lợi nhuận, chống tích tụ tài sản vào một nhóm người. Nhà nước phải điều hòa các nhóm lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người dân, đầu tư phát triển kinh tế thị trường. Đó mới là nhà nước của dân, do dân, công bằng, văn minh”.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngay từ năm 2016, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm 4 vấn đề: Một là, kịp thời cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đi đôi với việc sớm ban hành tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực cho khoa học - công nghệ nhằm góp phần thực hiện cho việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Ba là, tiếp tục xác định lộ trình thực hiện mục tiêu hàng năm để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2020 và kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Bốn là, sớm thể chế hóa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn liền với tăng cường hoạt động thanh kiểm tra đạo đức công vụ, đánh giá cán bộ, công chức hàng năm và tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế nhằm khắc phục ngay tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm với nhân dân và xa dân có xu hướng lan rộng và hiện tượng nói nhưng chưa đi đôi với làm. “Tôi cho rằng đây chính là yêu cầu bức thiết cần giải quyết để củng cố niềm tin và đáp ứng lòng mong đợi trong nhân dân” - đại biểu Vở nói.

Đại biểu Trương Văn V đề nghị Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Công thương báo cáo đánh giá rõ thêm việc liên kết phối hợp với bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao, nhất là điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang ách tắc, gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của doanh nghiệp.

Thực tiễn ở Đồng Nai, một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi gia cầm nhưng không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này do các bộ chậm bổ sung danh mục máy móc, thiết bị.

L.V (tổng hợp)

 

 

 

Tin xem nhiều